Vá ‘lỗ hổng’ giao thông đường bộ
Luật Giao thông đường bộ hiện hành sẽ chính thức được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới. Thế nhưng vấn đề được đặt ra là làm sao đảm bảo an toàn giao thông, cũng như phát triển hệ thống giao thông hiện đại, giảm ùn tắc tại các thành phố lớn. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, phát triển hệ thống giao thông cần hài hòa, bảo đảm trật tự an toàn giao thông chứ không phải "chặt" mà lại hóa ra "lỏng".
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh lưu ý: Điều quan trọng nhất mà luật cần hướng tới là giao thông phải thông suốt, thuận lợi cho người dân. Đồng thời phát triển hệ thống giao thông một cách hài hòa, trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, được quản lý chứ không “buông lỏng” như hiện nay.
PV: Thưa ông, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến có nội dung đề xuất đổi toàn bộ giấy phép lái xe mô tô bằng vật liệu giấy sang vật liệu nhựa nhằm thực hiện tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có tích hợp giấy phép lái xe. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
Ông Nguyễn Văn Thanh.
Ông NGUYỄN VĂN THANH: Trong Đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 (Đề án 06), Bộ Công an yêu cầu tích hợp tất cả dữ liệu, trong đó có giấy phép lái xe. Và muốn tích hợp được thì phải đổi sang thẻ nhựa. Ngay sau khi có thông tin đề xuất đổi toàn bộ giấy phép lái xe mô tô bằng vật liệu giấy sang vật liệu nhựa nhằm thực hiện tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có tích hợp giấy phép lái xe thì nhiều người dân ở TPHCM đổ xô đi đổi giấy phép lái xe máy bằng giấy sang thẻ nhựa khiến các điểm cấp đổi đông nghẹt.
Việc đổi giấy phép lái xe sang thẻ nhựa ảnh hưởng đến 22 triệu người. Hiện nay, lệ phí đổi giấy phép lái xe mô tô từ giấy sang thẻ nhưa là 135 nghìn đồng/bằng thì đây cũng là số tiền lớn đối với xã hội. Thực tế dù các cơ quan chức năng đã giải thích nhưng người dân ở TPHCM vẫn nghi ngại, và đổ xô đi đổi giấy phép lái xe sang thẻ nhựa, gây nên những sức ép rất lớn.
Xã hội càng phát triển, việc đổi từ giấy sang thẻ nhựa là cần thiết. Nhưng theo tôi cần làm có lộ trình, giãn ra, tránh giật cục để cho xã hội căng thẳng không cần thiết. Lộ trình có thể thực hiện trong một thời gian. Và vấn đề này cần truyền thông cho rõ ràng để mọi người dân hiểu về lộ trình đổi từ giấy sang thẻ nhựa.
Luật Giao thông đường bộ hiện hành được tách thành 2 luật: Luật Đường bộ; và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Cá nhân ông thấy đã đáp ứng được thực tiễn đặt ra chưa?
- Luật Giao thông đường bộ hiện hành được tách thành Luật Đường bộ; và Luật Trật tự an toàn giao thông. Về Luật Đường bộ tôi thấy quản lý vận tải đường bộ còn có vấn đề chưa ổn. Hay Luật Trật tự an toàn giao thông có nhiều cái còn bất cập như yêu cầu xe cá nhân lắp thiết bị giám sát hành trình. Đến xe kinh doanh còn chưa thu đủ dữ liệu để quản lý, bây giờ lại yêu cầu xe tư nhân phải lắp.
Bên cạnh đó, xe chở học sinh đi học thì phải sơn màu khác đó là cách học nước ngoài. Ở nước ngoài đó là xe chuyên chở học sinh đi học, sáng chở đi, chiều chở về. Nhưng ở nước ta lại khác, ngoài giờ chở học sinh đi học thì họ còn hoạt động khác nữa. Làm sao xe chỉ chuyên đưa học sinh đi học được. Cho nên tôi cho rằng nên chăng nên có biển hiệu đặt phía trước, hoặc phía sau xe để xã hội nhận biết đây là xe chở học sinh đi học. Hết giờ chở học sinh đi học thì họ bỏ biển đó để hoạt động khác. Chứ nếu bắt sơn màu khác thì không khả thi với điều kiện hoàn cảnh của ta hiện nay.
Phát triển hệ thống giao thông một cách hài hòa, trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo. Ảnh: Đức Quang.
Vậy ông băn khoăn nhất ở vấn đề gì?
- Tôi cho rằng còn nhiều vấn đề bất cập. Nhất là những xe dưới 16 chỗ như xe limousine và xe tiện chuyến, ghép chuyến hiện đang chạy “loạn” trong thành phố để đón khách “từ nhà” và đưa đến “tận nhà”. Xã hội đòi hỏi như thế, nó đáp ứng được yêu cầu của người dân vì nó tiện lợi và tốt cho người dân. Thế nhưng đang đặt ra vấn đề trong quản lý. Hiện giá vé các xe ghép, xe tiện chuyến thì tự hãng đặt ra giá kinh doanh cho mình. Do đó Nhà nước bị mất thuế, không thu được thuế, còn xã hội thì bị lộn xộn. Thế nhưng trong luật lại chưa đề cập đến hình thức quản lý đối với loại hình này.
Dẫu là khó nhưng phải đưa dần từng bước. Hiện nay xe limousine, xe ghép, xe tiện chuyến đang chạy rất nhiều nơi nhưng Nhà nước có thu được gì đâu, phí bến bãi họ không phải nộp, giá thì tự đặt. Ví dụ đi từ Hà Nội về Bắc Giang hôm nay hãng này 120.000 đồng/người, mai hãng khác 140.000 đồng/người, lúc thấy vắng khách lại 110.000 đồng/người. Như vậy là không ổn.
Vì thế các cơ quan chức năng cần tìm cách để đưa loại hình này vào quản lý một cách phù hợp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải công bằng với các loại hình vận tải khác cũng như an toàn cho hành khách.
Trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội đều phải có sự quản lý chứ không phải mới, hay khó mà không quản lý, thưa ông?
- Nhà nước phải có công cụ quản lý và giám sát. Luật phải có công cụ quản lý. Ví như đăng ký kinh doanh thì thuế khoán theo kiểu gì? Thu theo thuế khoán hay là thuế luỹ tiến. Bây giờ với loại hình kinh doanh như xe dưới 16 chỗ như xe limousine và xe tiện chuyến, ghép chuyến hiện Nhà nước đang bị thất thu thuế, còn thành phố bị ách tắc do hiện xe này rất phát triển, phổ biến, đi vào trong từng phố để đón khách.
Xe khách không được chạy ở các tuyến phố mà xe tiện chuyến, xe ghép 7 chỗ lại lách, chạy ở các tuyến phố vào giờ cao điểm, gây ách tắc giao thông. Trong khi đó chúng ta đề nghị có nhiều loại xe bus khác nhau, xe bus nhỏ gom khách từ trong ngõ ngách đi ra đường lớn thì Nhà nước lại không phát triển loại hình đó. Còn loại xe này chạy khắp nơi. Cho nên đang có sự chuyển dịch xe bỏ bến chạy ra ngoài kinh doanh là vì thế.
Cá nhân tôi ủng hộ có loại hình kinh doanh này để thuận lợi cho người dân song phải có bàn tay quản lý. Trong khi đó, Luật Đường bộ lại chưa đề cập đến vấn đề này một cách sâu sắc.
Từ vụ xe Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người thiệt mạng, đã đến lúc chúng ta cần siết chặt lại an toàn giao thông?
- Đúng vậy. Đây là lỗ hổng và cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, từ thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm.
Trong bối cảnh hiện nay thì vấn đề ùn tắc giao thông đang là một thách thức lớn tại các thành phố lớn. Có lẽ đây là vấn đề cần nhanh chóng giải quyết do tồn tại quá lâu. Thế nhưng việc phát triển các loại hình xe công cộng lại chưa đem lại kết quả?
- Tôi nghĩ rằng trong luật chúng ta khuyến khích phát triển giao thông công cộng nhưng khuyến khích bằng cái gì thì cần có cơ chế. Ví dụ hiện nay Hà Nội quy định rõ trợ giá, còn TPHCM mức độ trợ giá thấp hơn Hà Nội nên xe bus ở Hà Nội phát triển hơn vì có khoản trợ giá 1.000 tỷ đồng/năm cho các công ty xe bus.
Luật quy định khuyến khích nhưng mức độ khuyến khích còn phải từ các địa phương nữa. Do đó bây giờ định lượng thuế, tiền thuê đất để bãi đỗ xe, lãi vay ngân hàng để mua xe bus mới là việc cụ thể. Đúng là không thể đưa hết mọi thứ vào trong luật nhưng phải có cách thể hiện để sau này Chính phủ thực hiện, quy định trong Nghị định, Thông tư.
Hiện phát triển giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu. Xe bus chỉ có 12-14%. Trong những năm gần đây có xu hướng không tăng được nữa. Trước đây mỗi năm tăng 1-2% sản lượng. Nhưng từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay thì giảm xuống, bây giờ đang phục hồi mới ngang bằng thôi. Ví dụ Hà Nội mỗi năm 350 triệu lượt khách đi. Giao thông công cộng phải là thiết yếu. Chứ bây giờ xe cá nhân nhiều là nguyên nhân gây ách tắc.
Mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) đang được đề cập. Có lẽ chúng ta cần thúc đẩy mô hình này?
- Trong bối cảnh hiện nay ô tô trong thành phố chỉ chiếm được 10-12% thì TOD không đem lại giá trị bao nhiêu. Phải có mật độ cao hơn thì mới có hiệu quả của hệ thống. Nói xa xôi chứ ngay hiện nay tắc đường hiện nay tại các thành phố rất cần tổng rà soát chu kỳ đèn điều khiển giao thông tại các ngã tư. Đó là cái không tốn tiền mà chỉ cần công sức mẫn cán.
Chu kỳ đèn cần điều chỉnh cho nó phù hợp với luồng xe vì có chỗ đặt 3 năm nay rồi, chỗ ít có 1 năm mà không điều chỉnh. Cho nên khi biến động luồng xe thì đèn không điều chỉnh kịp thời cũng gây nên ùn tắc rất nặng nề. Đó chỉ là một ví dụ mà thôi.
Do đó những kiến nghị của giới chuyên gia thì nhà quản lý cần nghiên cứu tiếp thu. Điều quan trọng nhất mà luật cần hướng tới là đảm bảo an toàn giao thông, giao thông phải thông suốt, thuận lợi cho người dân. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống giao thông một cách hài hòa, trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo, được quản lý chứ không “buông lỏng” như hiện nay. Hiện nay chúng ta tưởng chặt mà lại hóa ra lỏng.
Tags:giao thông
đường bộ
tai nạn giao thông
Tin cùng chuyên mục