Tuyển sinh lớp 10: Đảm bảo đầu vào và nâng chất đầu ra
Tuyển sinh vào lớp 10 THPT là vấn đề đang được dư luận quan tâm, nhất là ở những thành phố lớn, trường công luôn quá tải bởi áp lực dân số tăng nhanh cơ học. Trong dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT vừa được công bố, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thống nhất trên toàn quốc việc thi 3 môn vào lớp 10. Tuy nhiên, môn thứ 3 sẽ thay đổi hàng năm để tránh học lệch, học tủ. Từ số này, Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài “Tuyển sinh lớp 10: Đảm bảo đầu vào và nâng chất đầu ra”.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.
Thời gian qua, việc công bố phương án tuyển sinh, môn thi, lịch tuyển sinh lớp 10 ở mỗi nơi mỗi khác. Điều này xuất phát từ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), việc tổ chức thi, xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển vào lớp 10 thuộc quyền chủ động của các địa phương.
Các Sở GDĐT tham mưu trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển sinh cũng như quyết định môn thi, tính chất thi, hệ số bài thi, điểm cộng…
Địa phương chủ động
Lâu nay một số địa phương tổ chức xét tuyển vào lớp 10 THPT như tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Khánh Hòa… Còn lại đa số các tỉnh, thành tổ chức thi tuyển, thời gian thi trong tháng 6 hàng năm.
Những địa phương tổ chức thi 3 môn gồm Toán, Văn, tiếng Anh như Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hưng Yên, Phú Thọ, Quảng Trị, Quảng Ngãi, TPHCM… Tại Bắc Giang, mùa tuyển sinh năm 2024 - 2025 thí sinh cũng chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để vào lớp 10 (không có môn thi thứ tư như kế hoạch trước đó).
Có một số địa phương thi 4 môn để tuyển sinh vào lớp 10. Ở các kỳ tuyển sinh lớp 10 năm trước vào hệ công lập không chuyên của tỉnh Bắc Giang, thí sinh thi 4 môn. Trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, môn thi thứ 4 được bốc thăm ngẫu nhiên và công bố vào cuối tháng 3 hàng năm. Tương tự, tại Hà Nội, theo quy định tuyển sinh lớp 10 hiện hành, thí sinh sẽ thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ 4. Giống như Bắc Giang, môn thi thứ 4 tại Hà Nội được chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên một trong các môn Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý và được công bố vào tháng 3 hàng năm. Tuy nhiên, vài năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến việc dạy và học, Hà Nội chỉ tổ chức thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, bỏ môn thi thứ 4. Căn cứ thực tế, việc thi hay bỏ môn thi thứ 4 được quyết định theo từng năm. Cụ thể, mùa tuyển sinh 2024 - 2025, Hà Nội chỉ tổ chức thi 3 môn để tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội không có môn thứ 4. Điều này nhận được sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh, giáo viên và các trường.
“Tuýt còi” việc tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ
Cũng từ việc chủ động trong tuyển sinh lớp 10, nhiều địa phương đã có chủ trương ưu tiên/cộng điểm cho thí sinh sở hữu các chứng chỉ ngoại ngữ. Trước thềm mùa tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, Bộ GDĐT đã yêu cầu các địa phương dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ IELTS và tương đương vào lớp 10 công lập. Bộ GDĐT cho rằng, một số địa phương đã đưa nội dung “không đúng quy định” vào kế hoạch tuyển sinh lớp 10 công lập. Cụ thể là tuyển thẳng, cộng điểm cho thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, có chứng chỉ ngoại ngữ. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành thực hiện đúng quy chế tuyển sinh THCS, THPT được ban hành năm 2019.
Trước đó, ghi nhận việc tuyển sinh lớp 10 cho thấy, có địa phương áp dụng tuyển thẳng, miễn thi môn tiếng Anh hoặc cộng điểm cho các thí sinh có chứng chỉ IELTS. Bao gồm các tỉnh Quảng Trị, Tuyên Quang, Lào Cai, Bình Dương…
Nghệ An là địa phương tiên phong áp dụng chính sách tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10 từ năm 2021. Năm 2023, Nghệ An tiếp tục tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và các trường THPT hàng đầu. Theo đó, thí sinh đủ điều kiện đầu vào Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu phải đạt tối thiểu 7.0 IELTS. Các trường THPT khác trong tỉnh Nghệ An áp dụng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS dao động 6.0 - 6.5. Còn tỉnh Phú Thọ, từ năm 2023 đã áp dụng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.5 IELTS trở lên vào các trường công lập. Tại Hà Nội, từ các mùa tuyển sinh gần đây một số trường THPT ngoài công lập đã áp dụng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5.
Theo quy chế tuyển sinh THCS, THPT hiện hành (văn bản hợp nhất - Thông tư 03 ngày 3/5/2019 của Bộ GDĐT), thí sinh được tuyển thẳng lớp 10 công lập nếu thuộc một trong bốn nhóm: Học trường phổ thông dân tộc nội trú; là người dân tộc rất ít người; là người khuyết tật; đạt giải quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật. Nếu là con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, anh hùng lao động, lực lượng vũ trang, đang sống và học tập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thí sinh được cộng điểm khuyến khích, mức điểm do địa phương quy định.
Đáng chú ý hơn, Thông tư 03 nói trên không có quy định nào cho phép tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10 công lập không chuyên. Tuy nhiên, gần 5 năm qua, nhiều địa phương đã cộng 1-2 điểm ưu tiên, miễn thi, tuyển thẳng thí sinh có 4.0 IELTS trở lên hoặc đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Theo lý giải của một số địa phương, việc này nhằm tạo động lực, phong trào học ngoại ngữ, cũng như giảm áp lực thi cử với những học sinh đã có học lực tốt. Đại diện Sở GDĐT Quảng Trị cho biết, có 2 lý do để tỉnh áp dụng chính sách này. Một là tạo động lực cho học sinh, giúp các em học tốt ngoại ngữ hơn. Hai là giảm áp lực thi cử “không cần thiết” với những thí sinh đã có chứng chỉ.
Ông Đặng Minh Tuấn - giảng viên Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng IELTS chỉ nên là một công cụ dùng để đánh giá việc sử dụng các kỹ năng ngoại ngữ, bao gồm: Nghe, Nói, Đọc, Viết trong thời gian ngắn hạn. Vì thế, IELTS không liên quan đến việc đánh giá khả năng chuyên môn hay năng lực của người học.
Theo ông Tuấn, việc ưu tiên cộng điểm, tuyển thẳng có thể dẫn tới sự méo mó, lệch lạc. Không ít phụ huynh đã đầu tư tiền bạc, thời gian cho loại chứng chỉ này mà bỏ qua việc trau dồi, phát triển các nền tảng khác.
Đảm bảo chất lượng đầu vào
Việc tuyển sinh lớp 10 ở những đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM luôn được coi là vấn đề “nóng” khi tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo việc gia tăng dân số cơ học. Vì lẽ đó, những suất học ở trường công là động lực để cả học sinh và phụ huynh phấn đấu. Từ đó vấn đề đặt ra là công tác tuyển sinh phải phải đảm bảo tính công bằng, tin cậy.
Những câu chuyện lùm xùm tuyển sinh (nhất là việc chấm thi) lớp 10 ở Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa vừa qua... đã cho thấy những bất cập tuyển sinh ở bậc học này, dẫn tới thiệt thòi, thiếu công bằng cho người học và sự lo lắng về chất lượng đầu vào bậc THPT, nhất là khi việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018) đã được thực hiện ở toàn bộ các cấp học từ năm học 2024 - 2025.
Băn khoăn về việc tuyển sinh lớp 10 mỗi địa phương một “phách” cũng là nội dung được dư luận quan tâm bấy lâu. Vấn đề này từng được mổ xẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ gần đây, khi có nhiều câu hỏi với Bộ GDĐT về phương án chọn môn thi vào lớp 10 của các địa phương, làm thế nào để đảm bảo công bằng và giảm áp lực cho các thí sinh khi có địa phương tổ chức thi 3 môn, 4 môn, có địa phương lại xét tuyển vào lớp 10? Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, dù thi hay xét tuyển, quan trọng đối với các trường THPT là yêu cầu năng lực đầu vào của học sinh ra sao; có kiến thức và kỹ năng như thế nào mới là điều đáng quan tâm.
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình GDPT mới. So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Vì vậy, việc ban hành sớm Quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT đang được cả giáo viên, học sinh và phụ huynh mong đợi.
Hướng tới tiêu chí khung tuyển sinh lớp 10
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Theo kết quả lấy ý kiến từ 63 Sở GDĐT về dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, có 60/63 tỉnh, thành phố đã đồng ý với phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn: Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp. Hiện Bộ GDĐT đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi xã hội dự thảo nói trên. Dự kiến Thông tư sẽ được hoàn thiện và ban hành trước ngày 31/12/2024.
Tags:Tuyển sinh lớp 10
Tin cùng chuyên mục