14/10/2022 10:52

Trồng cây ăn quả sạch, nữ nông dân kiếm hơn nửa tỷ đồng mỗi năm

Năm 2018, nhận thấy hơn 2.000 cây cà phê trong vườn trồng kém hiệu quả, bà Nguyễn Thị Nền (54 tuổi, ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) trăn trở, đi khắp nơi để tìm ra loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế.

Sau đó, bà Nền mạnh dạn trồng thử nghiệm 1000 cây cam, quýt; 200 cây sầu riêng; 100 cây ổi trên diện tích 3ha cà phê trước đó, theo hướng hữu cơ.

Trồng cây ăn quả sạch, nữ nông dân kiếm hơn nửa tỷ đồng mỗi năm

Nhờ chuyển đổi mô hình trồng cà phê sang cây ăn quả xen canh, mỗi năm, bà Nguyễn Thị Nền thu về hơn nửa tỷ đồng (Ảnh Thu Hiền).

Vì làm theo hướng hữu cơ nên bà Nền phải thuê nhiều nhân công để làm cỏ, bón phân, đào hố, treo dụng cụ đuổi côn trùng...

Chia sẻ về vườn cây ăn quả hữu cơ, bà Nền cho hay: "Hoa quả của vườn tôi trồng là trái cây sạch, đảm bảo an toàn vì trồng theo hướng hữu cơ. Quá trình trồng và chăm sóc, tôi tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng phân cá, phân chuồng".

Theo bà Nền, trồng nhiều loại trái cây trên cùng một diện tích sẽ đem lại nhiều lợi ích. Đó là hạn chế tối đa việc lãng phí khi sản phẩm không tiêu thụ hết. Tránh tình trạng bán tháo bán đổ và có thể thu hoạch trái cây quanh năm để duy trì kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường.

"Tôi nghĩ đó là cách thức làm nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Vườn nhà tôi tiết kiệm tối đa diện tích, không bỏ sót một mét vuông nào. Mùa nào thức nấy, hết mùa bơ, chanh thì thu hoạch cam, quýt rồi lại quay qua hái bưởi, vú sữa. Thậm chí, có một số loại cây có thể thu hoạch quanh năm", bà Nền vui vẻ nói.

Để chuẩn bị tốt cho quá trình chăm sóc vườn cây hữu cơ, bà Nền phải học hỏi từ những người có kinh nghiệm và qua nhiều kênh thông tin khác.

Bước đầu, bà đào hố, ủ phân chuồng, làm phân cá để bón cho cây. Bà còn ngâm các loại tỏi, ớt, gừng, rượu thành từng thùng dùng là thuốc phòng sâu, nấm, côn trùng và mua thêm các dụng cụ bẫy ruồi vàng để bảo vệ trái cây.

Trồng cây ăn quả sạch, nữ nông dân kiếm hơn nửa tỷ đồng mỗi năm

Bà Nền đã dùng dụng cụ bẫy ruồi vàng. Tuy đơn giản, giá thành thấp nhưng đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ trái cây hữu cơ (Ảnh Thu Hiền).

Sau nhiều năm chăm sóc, đầu tư kỹ lưỡng, vườn cây ăn quả của bà đã có thể thu hoạch. Giá bán các loại trái cây tại vườn hữu cơ của bà Nền dao động 20-25 nghìn đồng/kg. Riêng loại trái cây như bưởi da xanh có giá 35 nghìn đồng/kg. Năm 2022, vườn cam, quýt của bà đã bán được 20 tấn quả.

"Giá của trái cây hữu cơ không chênh quá so với trái cây bình thường. Trái cây ngoài thị trường bán 10-15 nghìn đồng/kg thì tôi bán 20-25 nghìn đồng/kg. Tôi cũng không đặt nặng vấn đề giá cả. Cái tôi quan tâm là đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, ngon và sạch", bà Nền bộc bạch.

Trồng cây ăn quả sạch, nữ nông dân kiếm hơn nửa tỷ đồng mỗi năm

Bà Nền tranh thủ tỉa lá trong quá trình thu hoạch (Ảnh: Thu Hiền).

Theo bà Nền, khó khăn nhất sau quyết định chuyển đổi cây trồng là vấn đề kinh phí và đầu ra sản phẩm. Nhờ các hội chợ được tổ chức tại địa phương mà sản phẩm của bà tiếp cận được gần hơn với khách hàng.

Nhiều người dân từ các xã, huyện tại tỉnh Kon Tum nườm nượp đến tận vườn và quan sát quy trình chăm sóc cây ăn quả hữu cơ. Từ đó, thương hiệu trái cây của gia đình bà Nền đã lan rộng.

Vườn cây hữu cơ, cho thu nhập nửa tỷ đồng/năm của người phụ nữ U50

Hiện tại, trái cây của gia đình bà Nền chỉ đủ để cung ứng cho các tiểu thương ở các chợ tại huyện Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, thành phố Kon Tum. Trái cây hữu cơ của gia đình cũng được lựa chọn làm sản phẩm đầu vào của một số siêu thị lớn tại Kon Tum.

Trồng cây ăn quả sạch, nữ nông dân kiếm hơn nửa tỷ đồng mỗi năm

Những cành quýt trĩu quả, không hóa chất, không thuốc trừ sâu (Ảnh Thu Hiền).

"Siêu thị đến tận vườn thu mua trái cây, kiểm nghiệm với những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Trái cây phải đảm bảo được canh tác hữu cơ, tự nhiên, không chất hóa học, không chất bảo quản và kiểm định đạt chất lượng rất cao" - bà Nền nói.

Vườn trái cây hữu cơ đã mang lại thu nhập bình quân hơn 500 triệu đồng/năm cho gia đình bà Nền (đã trừ hết chi phí). Nhiều loại cây trong vườn của bà Nền như quýt, cam, bơ đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Tin cùng chuyên mục