Thủ tướng Israel 'nhắm hai đích' bằng chiến dịch tiêm chủng
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Benjamin Netanyahu không giấu được niềm vui khi người đồng cấp Áo ca ngợi chiến dịch tiêm chủng Covid-19 hàng đầu thế giới của Israel.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cùng người đồng cấp Đan Mạch Mette Frederiksen hồi đầu tháng tới Israel để thảo luận về một thỏa thuận vaccine ba bên. Sau các cuộc trao đổi và chuyến thăm quan một phòng gym dành cho khách hàng có "thẻ xanh", những người đã tiêm chủng hoặc khỏi Covid-19, lãnh đạo ba nước tuyên bố thành lập một liên minh nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine lâu dài.
"Tôi sẽ không bao giờ quên hồi đầu năm 2020, khi nhận được cuộc gọi từ Netanyahu. Ông ấy nói với tôi rằng virus này sẽ là mối đe dọa lớn với châu Âu và toàn thế giới, dù khi ấy chúng tôi chưa biết điều đó", Kurz đề cập tới người đồng cấp Israel, nói thêm rằng Netanyahu "có lẽ là lý do khiến Áo hành động khá sớm khi làn sóng Covid-19 đầu tiên tấn công mạnh mẽ vào Liên minh châu Âu (EU)".
Theo bình luận viên Hadas Gold của CNN, ngay từ đầu đại dịch, Netanyahu đã nhận ra rằng vaccine không những có thể cứu Israel, mà còn cả tương lai chính trị của ông.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được tiêm liều vaccine Covid-19 thứ hai tại Trung tâm Y tế Sheba, thành phố Ramat Gan, Israel, hôm 9/1. Ảnh: Reuters.
Suốt nhiều năm, Netanyahu quảng bá hình ảnh cá nhân là người đưa Israel trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu. Giờ đây, trước cuộc tổng tuyển cử lần thứ tư trong vòng hai năm và một phiên tòa xét xử tham nhũng đang diễn ra, ông chuyển sang thúc đẩy hình ảnh lãnh đạo đưa Israel trở thành "Quốc gia Tiêm chủng".
Đại dịch Covid-19 diễn ra cùng lúc với cuộc khủng hoảng chính trị tại Israel, với đợt bùng phát dịch đầu tiên xảy ra vào tháng 3/2020, chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử lần thứ ba trong vòng một năm của đất nước. Netanyahu khi đó thành lập liên minh với đối thủ một thời Benny Gantz.
Như lời ca ngợi của Thủ tướng Áo, Netanyahu đã nhanh chóng hành động để chống lại đợt bùng phát dịch, công khai cảnh báo về sự nguy hiểm của virus, phong tỏa Israel trước cả khi đất nước ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên.
Các trạm lưu động được thiết lập trên đường phố giúp người dân dễ dàng xét nghiệm nCoV. Những ca nhiễm ở mức nhẹ được đưa tới cơ sở cách ly của nhà nước, thường là chuyển đổi từ khách sạn, để điều trị và phục hồi. Lễ Vượt qua, một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Do Thái, về cơ bản cũng bị hủy do lệnh cấm tụ tập đông người hoặc di chuyển.
Đến tháng 5/2020, sau gần một năm rưỡi bế tắc chính trị, Netanyahu cuối cùng cũng thành lập chính phủ liên minh, với số lượng quan chức trong nội các nhiều chưa từng có. Cùng lúc đó, với tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh, giới chức bắt đầu cho phép cộng đồng trở lại bình thường.
Israel dường như đã kết thúc "vòng đấu đầu tiên" với vị trí đầu bảng. Trong lúc các quốc gia khác như Italy ghi nhận hàng chục nghìn ca tử vong vì Covid-19 hồi tháng 5/2020, số người chết ở Israel chỉ dưới 300. Tuy nhiên, khi người dân trở lại các nhà hàng và sự kiện như đám cưới, virus cũng trỗi dậy.
Tới tháng 7/2020, khi số ca nhiễm nCoV tại Israel tăng trở lại, giới phê bình chỉ trích cách chống dịch mà họ coi là thiếu nhất quán và tùy hứng, tỷ lệ tín nhiệm của Netanyahu cũng lao dốc. Nỗi thất vọng tràn trề của người dân dẫn đến các cuộc biểu tình bên ngoài dinh Thủ tướng ở Jerusalem, khiến cảnh sát phải sử dụng vòi rồng để giải tán.
Tháng 9/2020, Israel ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm mới trên đầu người tồi tệ nhất thế giới, làm dấy lên tranh cãi chính trị về việc ai là người chịu trách nhiệm. Theo giáo sư Eran Segal thuộc Viện Khoa học Weizmann của Israel, chính phủ nước này có phản ứng ban đầu tốt, nhưng những sai lầm bắt đầu sau đợt phong tỏa đầu tiên.
Segal giải thích rằng việc từ chối thực thi các biện pháp hạn chế cục bộ tại một số nơi, đặc biệt là các cộng đồng Arab và Do Thái giáo bảo thủ, có thể đã khiến virus lây lan mạnh hơn. Trong khi đó, Netanyahu cần sự ủng hộ của một số đảng tôn giáo nhỏ để có thể thành lập chính phủ liên minh, dù đảng Likud của ông nắm nhiều ghế nhất tại quốc hội.
Bất chấp những lời chỉ trích, Thủ tướng Netanyahu chưa từng nhận trách nhiệm về cách phản ứng với đại dịch. Hồi tháng 9/2020, khi được hỏi ai nên chịu trách nhiệm cho thất bại chống dịch của Israel, ông đáp: "Không có thất bại, chỉ có thành tựu".
Cuối năm 2020, khi Israel đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ ba, quốc hội từ bỏ nỗ lực thông qua ngân sách, dẫn đến giải tán quốc hội và kích hoạt cuộc tổng tuyển cử trong năm nay, khiến ngay cả đối tác Gantz cũng nghi ngờ về Netanyahu. Tuy nhiên, tương lai chính trị của Thủ tướng Israel giờ đây lại rộng mở nhờ chiến dịch tiêm chủng.
Ngay từ đầu, Netanyahu đã theo đuổi mục tiêu đưa Israel trở thành một trong những quốc gia đầu tiên nhận được vaccine Covid-19, cho biết ông thường xuyên liên lạc với các công ty dược phẩm lớn và CEO của họ.
Dù ký được thỏa thuận sớm với hãng dược Mỹ Moderna, hợp đồng đặc biệt với Pfizer, nơi có CEO người Do Thái Albert Bourla, mới là "chìa khóa" đưa Israel lên vị trí dẫn đầu toàn cầu về tiêm chủng hiện nay. Israel đã trả giá cao để nhập được vaccine Covid-19 nhanh chóng. Đổi lại, Pfizer được quyền truy cập dữ liệu từ hệ thống y tế Israel để nghiên cứu hiệu quả của vaccine.
Chính phủ Israel không tiết lộ số tiền chính xác mà họ đã trả cho Pfizer, nhưng một ủy ban quốc hội tiết lộ nước này đã chi 787 triệu USD cho "các giao dịch vaccine khác nhau", đồng thời dự kiến bỏ ra khoản tiền tương đương để mua thêm trong tương lai.
Sau khi xuất hiện gần như hàng đêm trên truyền hình vào thời kỳ đầu đại dịch, Netanyahu đích thân đến sân bay Tel Aviv để nhận những liều vaccine Covid-19 đầu tiên, tiếp đó là tiêm vaccine trên truyền hình vào khung giờ vàng.
Hồi đầu tháng, Netanyahu ca ngợi hộ chiếu vaccine Covid-19 của nước này khi ngồi tại một quán cà phê mới tái mở cửa ở Jerusalem, tuyên bố Israel "đang hồi sinh". Đây cũng là khẩu hiệu tranh cử mới nhất của Netanyahu, và được đánh giá là cơ hội tốt nhất để ông duy trì sự nghiệp chính trị lâu dài của mình.
Giới quan sát cho rằng cả thời gian và may mắn đều đứng về phía Netanyahu. Với chương trình tiêm chủng bắt đầu từ cuối tháng 12/2020, ông có ít nhất ba tháng cho đến ngày bầu cử, đủ để phần lớn dân số được tiêm chủng và bắt đầu cảm nhận được trạng thái bình thường.
Tzachi Hanegbi, một quan chức trong nội các đã hỗ trợ Netanyahu nhiều thập kỷ, cho rằng người dân Israel sẽ ghi nhận cách Thủ tướng xử lý đại dịch. Aviv Bushinsky, cựu cố vấn truyền thông của Netanyahu, cũng có ý kiến tương tự.
"Trong chính trị, mọi người đánh giá lãnh đạo dựa vào kết quả và cách xử lý khủng hoảng", Bushinsky cho hay, nói thêm rằng người Israel "khá hạnh phúc" với chương trình tiêm chủng.
"Có cảm giác Netanyahu ở đó bởi Thiên Chúa đã cử ông ấy tới để cứu người dân Israel, dẫn dắt họ trong những thời khắc khó khăn. Tôi nghĩ điều này sẽ trao cho ông ấy quyền lực và sự ủng hộ của mọi người. Đó gọi là sức hút", Hanegbi nhận xét.
Ánh Ngọc (Theo CNN)Trở lại Thế giớiTrở lại Thế giớiChia sẻ ×
Tags:Benjamin Netanyahu
Thủ tướng Israel
chương trình tiêm chủng của Israel
Covid-19
vaccine Covid-19
Chính trị xã hội thế giới
Tư liệu
Tin cùng chuyên mục