04/08/2022 05:56

Sẽ có 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp vào năm 2030

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo đến 2030 phấn đấu hoàn thành 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân. Hiện các doanh nghiệp đã đăng ký hơn 1,2 triệu căn, song Thủ tướng lưu ý “đăng ký một việc, nhưng phải làm”, "nói đi đôi với làm".

Sẽ có 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp vào năm 2030

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng bên cạnh phát triển nhà ở, cần hoàn thiện quy định pháp luật để phát triển nhà trọ - Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận hội nghị "Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" sáng 1-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngay trong tháng 8 này, Bộ Xây dựng phối hợp các bộ ngành để trình phê duyệt đề án xây dựng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030. Vừa phát triển nhà ở xã hội, vừa phát triển nhà cho thuêCho hay đến nay các doanh nghiệp đã đăng ký trên 1,2 triệu căn, song Thủ tướng lưu ý "đăng ký một việc, nhưng phải làm".Theo ông, các địa phương tạo thuận lợi về cơ chế chính sách nhưng tinh thần "nói đi đôi với làm", tránh tình trạng khi họp nói hoành tráng nhưng làm thì không đâu tới đâu, gây mất niềm tin, uy tín và gây nên sự thất vọng với người dân.

Đặc biệt, bên cạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu phát triển nhà ở cho thuê đạt các tiêu chuẩn.

Đánh giá lại những vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, ông cho rằng hiện có những vướng mắc như cơ chế chính sách chưa đáp ứng thực tiễn, chưa được bổ sung kịp thời.Trong khi đó, trình tự thủ tục chọn nhà đầu tư còn rườm rà, thực hiện các chính sách ưu đãi qua nhiều bước, thời gian kéo dài, gây cảm giác như bị cản trở…"Kể cả người làm quản lý nhà nước lẫn người thực thi vẫn cảm thấy còn chật hẹp, chưa có không gian tốt để phát triển", người đứng đầu Chính phủ nói.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, trong khi địa phương nào quan tâm lại có hiệu quả ngay.

Theo Thủ tướng, người quan tâm phải là chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng, vô tư, trong sáng... Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của những người quản lý nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, người dân và người đứng đầu các bộ ngành, địa phương phải quan tâm, đẩy mạnh nhà ở xã hội một cách lành mạnh, bền vững.

Song song với việc phát triển nhà ở, Thủ tướng nhấn mạnh cần hoàn thiện quy định pháp luật để phát triển nhà trọ, có sự can thiệp, quản lý của Nhà nước, đảm bảo môi trường sống… ngày càng văn minh cho người dân.

Sẽ có 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp vào năm 2030

Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết doanh nghiệp phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội - Ảnh: VGP

Doanh nghiệp than thủ tục quá rườm rà

Trước đó, các doanh nghiệp bất động sản đã "hiến kế" phát triển nhà cho người lao động.

Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết, mong muốn của doanh nghiệp là ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp.

Phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội, vị đại diện này kiến nghị doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.Theo ông Hoa, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu, tối thiểu 600 ngày nên đề xuất rút ngắn xuống từ 90 - 120 ngày, để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.

Ông Đặng Minh Trường - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group - cho biết mặc dù chính sách hiện hành đã phần nào tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội, nhưng chưa tháo gỡ được những khó khăn hiện nay.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ông Trường kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức, có thể là doanh nghiệp, mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn, hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

Còn chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội lại cho rằng quan trọng nhất là Chính phủ phải có một nhóm xuống làm việc cùng với các doanh nghiệp để nghiên cứu những gì còn đang vướng, đang khó để tháo gỡ.

"Chính phủ nên nghiên cứu để đưa vào 1 đầu mối, chỉ 1 cơ quan đưa ra quyết định. Đã nằm ở trong khuôn đó rồi thì bất kỳ ai tham gia thực hiện cũng đều được hưởng chính sách đó", ông Hội nói.

Ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - cho biết nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân, như ở TP.HCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân. Quan trọng nhất là phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà trọ, huy động được nguồn lực của người dân.Theo ông Minh, doanh nghiệp này sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến năm 2030 từ quỹ đất của doanh nghiệp, song quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.

Sẽ có 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp vào năm 2030

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cho rằng Chính phủ phải có một nhóm xuống làm việc cùng với các doanh nghiệp - Ảnh: VGP

Gỡ khó về vốn để xây nhà ở xã hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết các doanh nghiệp đã đăng ký hơn 1 triệu nhà ở xã hội, dao động 600.000 - 1 triệu tỉ đồng, thực hiện trong 10 năm.

Theo bà, vấn đề về vốn, lãi suất rất quan trọng. Về vốn, có thể huy động trong cả người dân để cho vay, lãi suất 2% có thể triển khai trong năm 2022, nếu như có các dự án triển khai có thể tận dụng được trong năm 2022-2023.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng cho biết sẽ điều hành linh hoạt và phù hợp để hướng đến nguồn tín dụng tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi để mua nhà.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng rất trách nhiệm khi tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong đại dịch, trong đó có những doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp.

TP.HCM: Đề xuất giảm 50% thủ tục hành chính

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết từ nay đến năm 2030, TP sẽ xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội, dành 25% cho nhà ở công nhân và nhà cho thuê.

Ông Quân kiến nghị 7 vấn đề, trong đó kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, nhà ở xã hội ở các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian để giải quyết hồ sơ cũng như các hoạt động về đầu tư xây dựng.

Trước mắt, TP hệ thống được các bước để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội gồm chấp thuận chủ trương đầu tư quy hoạch, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Các bước này, TP đã có đề xuất giảm 50% thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã tập trung triển khai chương trình nhà ở xã hội, để làm sao có điều chỉnh phù hợp với quy hoạch và thủ tục.

TP.HCM đã chủ động rút ngắn thủ tục, trong đó ngắn nhất 137 ngày, dài nhất 217 ngày. Ông Mãi cho hay TP đã cố gắng rút ngắn để tạo điều kiện cho các đơn vị tiến hành, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều vấn đề, cần tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hơn.

Theo ông Mãi, TP.HCM sẽ tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội, nhà cho thuê, đặc biệt là nhà cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp chưa đủ điều kiện để mua. TP tập trung xây dựng nhà ở xã hội, cố gắng xây dựng 70.000 căn trong thời gian tới.

Lo 1 triệu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng chủ trì hội nghị quy mô lớn

TTO - Hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 1 triệu nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến quy mô lớn bàn giải pháp về phát triển nhà ở xã hội.

NGỌC HIỂN

Tags:

nhà ở xã hội

nhà ở cho công nhân

nhà ở cho người thu nhập thấp

phát triển nhà ở xã hội

Tin cùng chuyên mục