Nhớ đêm mất ngủ chờ xem đụng lợn Tết
Ngày đó quả là đáng nhớ với tuổi thơ của tôi. Cả đêm không ngủ chỉ chờ nghe tiếng mọi người gọi nhau dậy bắt lợn là tôi bật xuống khỏi giường, lăng xăng cầm đèn soi.
Tôi đã đọc bài của tác giả Kao Dân viết về tục đụng lợn Tết xưa. Bài viết của bạn làm tôi nhớ lại những lần nhà mình đụng lợn Tết khi tôi còn là đứa trẻ. Phải là những người từng trải qua thì mới có những ấn tượng sâu sắc khó quên như vậy.
Tôi cũng sinh ra và lớn lên trên quê hương Bắc Bộ, cũng háo hức chờ đợi đến ngày thịt lợn Tết và thích nhất là thịt lợn ở nhà mình.
Gần Tết có nhà thịt sớm nhưng đa phần là từ 28 Tết mới bắt đầu. Ngày đó quả là đáng nhớ với tuổi thơ của tôi. Cả đêm không ngủ chỉ chờ nghe tiếng mọi người gọi nhau dậy bắt lợn là tôi bật xuống khỏi giường, lăng xăng cầm đèn soi rồi đứng xem mọi người chuẩn bị dao, chậu, nước sôi, nghe tiếng lợn bị trói kêu eng éc, tiếng mài dao…
Một con lợn phải mấy người giữ nhưng vẫn giãy dụa không chịu nằm yên.
Tết quả là đáng nhớ với tuổi thơ của tôi.
Thời bấy giờ cả làng chỉ có một vài người biết hãm tiết cho khỏi bị đông để còn đánh bát tiết canh (món khoái khẩu của nhiều người thời đó. Bây giờ vì vấn đề vệ sinh, mọi người không dùng món này nữa). Vì thế trong mấy ngày Tết, nhà nào không mượn được thợ thì cầm chắc mất món khoái khẩu này.
Lợn được cạo lông xong mổ ra, người làm lòng, người pha, lọc thịt, giã giò... Chia phần xong cũng là lúc có đĩa lòng nóng, bát tiết canh, tô nước xít béo ngậy mang lên để mọi người nghỉ ngơi và thưởng thức cùng vài chén rượu nút lá chuối.
Còn bọn trẻ chúng tôi thì sao? Mấy đứa loanh quanh được cho cái đuôi và bong bóng lợn. Thế là rửa vội đuôi, lấy sợi rơm buộc cho vào nồi luộc giò. Bong bóng thì bọn con trai rửa rồi lấy chiếc xe điếu thổi căng lên treo dưới hiên chờ khô làm quả bóng đá chơi mấy ngày Tết.
Đuôi chín vớt ra chặt chia phần mỗi đứa một khúc nhấm nháp. Ăn hết là lượn ra nia thịt xẻo vội một vài lóng thịt nạc, mang ra bếp than đang đỏ lửa nướng, mùi mỡ cháy vừa thơm vừa ngậy. Đứa nào đứa nấy ăn vội vàng nên miệng nhọ nhem cả.
Hết trò nướng thịt, cả nhóm ngồi chầu chực bên cạnh mấy anh giã giò. Anh giã xong thì vét lấy ít giò sống, gói vào lá chuối và nướng tiếp. Quả thực lúc bấy giờ ăn như vậy rất ngon, đến bây giờ tôi vẫn không quên được hương vị của nó.
Bây giờ tục đụng lợn Tết vẫn còn nhưng không thấy những hình ảnh, âm thanh như trước đây. Còn đâu tiếng lợn kêu vang khắp làng, còn đâu cảnh các anh thanh niên cởi trần giã giò thì sao còn có tiếng giã giò nữa.
Và đương nhiên bóng dáng những đứa trẻ loanh quanh chờ chực cũng không có nốt. Vì sao như vậy? Có lẽ vì cuộc sống ngày nay đã được nâng lên, không còn cảnh thiếu thốn như chúng tôi trước kia. Các dịch vụ ngày càng phong phú. Thịt nạc cho vào máy xay vài phút được một cân giò rồi, không phải xoay trần ra giã thủ công như trước đây.
Trẻ con được ăn uống no đủ, không còn thiếu thốn hay thèm thuồng gì, người lớn lo cho chúng đủ ăn đủ mặc, được vui chơi giải trí với các phương tiện hiện đại và thông minh như ti vi, điện thoại… Vậy nên không chỉ tục đụng lợn ngày Tết mà còn nhiều tục lệ khác chúng không quan tâm và càng không biết những gì là ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của những người như thế hệ chúng tôi đã trải qua.
Hoàng Mỵ
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn |
Ai từng quét vôi cho căn nhà đón Tết?
Ký ức tuổi thơ tôi bao năm qua vẫn hằn in hình ảnh cái vại vôi nhỏ, cái chổi rơm cùn, ngày cuối năm hì hụi làm mới cho căn nhà nhỏ đơn sơ bừng sáng tinh tươm, cho lòng mình chộn rộn hân hoan đón mùa xuân về.
Tết đến nhớ món kẹo lạc của bà
Tết năm nào mẹ tôi cũng mua đầy ắp bánh kẹo ở chợ huyện. Thế nhưng kẹo lạc do chính tay bà nội tôi đều đặn nấu mỗi khi xuân về là món tôi nhớ nhất.
Tags:đụng lợn
tục đụng lợn Tết Nguyên đán
Tin cùng chuyên mục