10/11/2022 08:45

Nhìn những tấm biển này để thấy Sài Gòn dễ cưng đến mức nào!

Cứ thế, ở thành phố này, chỉ cần bạn tinh mắt xíu xìu xiu, bao nhiêu điều tử tế vẫn luôn hiện hữu. Để rồi bữa hôm xẹt ngang ngã tư Cao Thắng giao Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1, TPHCM), chưa biết quẹo hướng nào thì một ông chú độ U60 đã nhắc khéo: "Nhìn bảng!".

Dòng trắng trên nền xanh trời: "Bệnh viện Từ Dũ nhìn theo hướng mũi tên sang phải thấy nhà lầu cao màu vàng nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con", khiến người ta vừa cười, vừa thở phào nhẹ nhõm không còn sợ lạc lối.

Nhìn những tấm biển này để thấy Sài Gòn dễ cưng đến mức nào!

Chủ nhân của tấm biển "hào sảng" ấy là chú Nam (ngụ Quận 1, TPHCM). Chú chia sẻ, hơn 10 năm trước, mỗi ngày có 50-60 bệnh nhân đến khúc đường nhưng không tìm được cách vô bệnh viện Từ Dũ. Có trường hợp chú bận buôn bán, không thể trực tiếp chỉ giúp tận tình nên bèn nảy ra ý tưởng làm tấm biển chỉ đường.

Ban đầu, tấm biển bằng bìa carton, nhưng Sài Gòn dở chứng mưa vài hôm đã rách. Thấy thế, chú Nam thay sang thạch cao, vậy mà chịu cũng chẳng được bao lâu. Đổi tiếp qua mica thì cái nóng rang của Sài Gòn làm nó giòn, dễ vỡ. Vậy là cuối cùng chú Nam thay luôn chiếc biển xịn sò bằng chì, không hỏng, không gãy với giá hơn 600.000 đồng.

Hết chuyện nhưng vẫn muốn giúp thêm người, chú Nam còn bỏ tiền túi dựng thêm thùng thuốc miễn phí, trà đá ai cần đến lấy. Cứ thế, hơn 10 năm nay, góc đường Cao Thắng ấy bỗng chốc trở thành địa điểm quen thuộc của giới xe ôm, grab, bô lão bán vé số… mỗi lần gặp khó khăn trên đường mưu sinh.

"Công việc này không ai trả lương, cũng chẳng ai yêu cầu, tui thấy tốt thì làm thôi. Thú thật tui nghĩ ra tấm bảng chứ nào có biết chữ đâu. Chỉ cần giúp được người ta là tui vui à" - chú Nam cười.

Nhìn những tấm biển này để thấy Sài Gòn dễ cưng đến mức nào!

Tạm biệt con đường Cao Thắng, xuôi về quận Phú Nhuận, hơn 50 năm nay người dân ở con hẻm 96 Phan Đình Phùng vẫn quen thuộc với dòng chữ hẻm Ông Tiên. Cứ vậy, dù ở đây không có tiên thật, nhưng người từng sống và đang sống trong hẻm đều hành xử như tiên.

Cư dân chia sẻ, ngày xưa nơi đây vốn là chỗ cư ngụ của dân nghèo khó đến xứ này làm ăn. Vì sống ở nhà sàn, cạnh dòng kênh ô nhiễm nên dân thường xuyên mắc bệnh. Thấy vậy, một thầy thuốc đã đứng ra khám chữa miễn phí. Về sau, để tưởng nhớ ông, dân trong hẻm 96 gọi đây là hẻm Ông Tiên. Sợ nhiều dân đi làm ăn xa quay về không tìm ra do thay đổi diện mạo, họ còn đề tự dòng chữ "Hẻm Ông Tiên" ở trước hẻm.

Đến ngày nay, hẻm vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của ông tiên thuở ấy. Ví như, chú Út cũng dân ngụ trong hẻm, thời trẻ làm đủ nghề để kiếm sống nên rất thấu hiểu cảnh đời bà con xóm giềng. Sau này, chú đứng ra lập điểm bơm vá xe miễn phí, tủ thuốc 0 đồng và cả dịch vụ mai táng, trợ táng cho người nghèo ở ngay đầu hẻm. Tấm lòng ấy khiến dân Sài Gòn ai nấy đều sụt sùi.

Nhìn những tấm biển này để thấy Sài Gòn dễ cưng đến mức nào!

Không chỉ thế, ở mặt đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TPHCM), người ta lại có dịp cười ngặt nghẽo trước độ hề hước của ông chủ tiệm xe giàu nhất Sài Gòn khi "có tiền cũng vá, không tiền cũng vá, sáng vá, đêm vá". Suốt ngày dầu nhớt bám đầy cơ thể, nhưng ở tiệm chú luôn có bài thơ đầy màu sắc:

"Tìm bạn không dính vào tiền

Cho vay mất bạn

Cho nợ mất khách

Đòi suốt thì ngại

Để lâu thì quên

Bởi vậy cho nên

Vui lòng không nợ

Không tiền cũng vá

Đừng ngại…"

Nhìn những tấm biển này để thấy Sài Gòn dễ cưng đến mức nào!

Chú Võ Thanh Vinh (60 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) kể, hồi ấy chú sửa xe cho bạn bè, người thân đều cho nợ. Ấy thế mà mất hết tình cảm. Bài thơ được chú sáng tác vui như nhắc khéo tất cả.

"Sau đó, có nhiều trường hợp bất khả kháng đi sớm về khuya hư xe mà hông có tiền, họ ngại chẳng dám vào tiệm nữa. Tui thấy vậy mới viết thêm chiếc bảng có tiền cũng vá, không tiền cũng vá treo cao hơn. Chỉ nhiêu vậy tui nổi tiếng, người ta kéo tới quá chừng chừng" - ông Vinh cười.

Nhìn những tấm biển này để thấy Sài Gòn dễ cưng đến mức nào!

TPHCM vậy đấy! Dù thành phố này hiện đại đến đâu, con người có văn minh thế nào, cư dân vẫn không bao giờ đánh mất sự tốt đẹp thuần túy của mình. Họ dễ dàng thấu hiểu, dung hòa, lan tỏa tình cách tốt đẹp của quê hương mình để biến nó thành một đặc trưng ở Sài Gòn. Để rồi khắp góc ngã tư, trên vỉa hè, một quán cóc… đâu đâu người ta cũng có thể bắt gặp thùng trà đá miễn phí, hộp tiền ai cần cứ lấy, ổ bánh mì cho chiếc bụng đói, tủ thuốc 0 đồng, quần áo cho người cần sưởi ấm… Mặc dù từ ngữ trên những tấm biển nhựa rất "bình dân", nhưng tấm lòng lại hơn bất kỳ lời hoa mỹ nào!

Người có của ăn của dư san sẻ cho kẻ kém may mắn một ít, tình cảm cứ vậy thêm mặn mòi. Thế nên dù TPHCM hơn 300 năm tuổi vẫn khiến người tứ phương mong muốn đổ về, yêu thương và xem nó như quê hương thứ hai. Và rồi có nghe bao tiếng "Khùng, rảnh đi làm chuyện bao đồng!", họ vẫn cứ hành động!

Nhìn những tấm biển này để thấy Sài Gòn dễ cưng đến mức nào!

Như chú Nam ngày ngày dậy lúc 3 giờ sáng, lặng lẽ châm bình trà hơn 50.000 đồng, rồi tất tả mang ra góc đường cho người dưng có cái mang đi làm buổi sớm… Hơn 10 năm nay, ông đều đặn như vậy. Hỏi ra, chú giàu có gì đâu, chỉ sống dựa vào gánh hàng rong nhưng vẫn xuề xòa: "Con cái đi làm, đủ ăn đủ mặc là được. Còn mình giúp người ta, mình sống vui, trẻ khỏe thì lỗ lãi gì đâu".

TPHCM cứ đất rộng bao nhiêu, tình người lại mênh mông theo bấy nhiêu! Vậy đấy!

Tags:

Đọc báo

báo điện tử dantri

Tin cùng chuyên mục