23/07/2022 09:35

Nhiều công ty chứng khoán báo lỗ vì tự doanh

 

Báo cáo tài chính các công ty chứng khoán không còn chung một sắc thái tích cực như nửa đầu năm trước, thời điểm cả thanh khoản và chỉ số đều tăng mạnh. Diễn biến tiêu cực của thị trường trong nửa đầu năm nay khiến nhiều thành viên thị trường báo lỗ đột biến.

Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) vừa công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ ròng trong quý II gần 300 tỷ đồng. Kết quả này kéo lợi nhuận trong nửa đầu năm nay xuống chỉ còn hơn 32 tỷ, tương đương chưa tới 2% kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

"Quý II, thị trường diễn biến tiêu cực bất ngờ dẫn tới mảng tự doanh của công ty gặp nhiều khó khăn", báo cáo giải trình của SHS cho biết. Khoản lỗ chủ yếu do việc đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) bị sụt giảm hơn 485 tỷ đồng, khiến mảng đầu tư lỗ hơn 433 tỷ đồng.

Cuối quý I, SHS nắm giữ 2.240 tỷ đồng cổ phiếu tại danh mục FVTPL theo giá gốc, với giá trị thị trường hơn 2.750 tỷ đồng, trong đó TCB và GEX là hai mã tỷ trọng lớn nhất.

Đến cuối quý II, tỷ trọng TCB và GEX đều giảm mạnh, phần lãi đánh giá lại của hai cổ phiếu này cũng "bốc hơi". SHS còn nắm giữ hơn 420 tỷ đồng TCB với giá trị thị trường ngang giá mua vào, trong khi GEX lỗ hơn 18 tỷ đồng.

Hoạt động bán cổ phiếu không có thuyết minh chi tiết, tuy nhiên SHS lỗ hơn 45 tỷ đồng trong quý II.

Ngược lại, danh mục trái phiếu của công ty này tăng hơn 700 tỷ chỉ trong ba tháng, lên gần 2.000 tỷ đồng vào cuối quý II, trong đó tỷ trọng cao nhất là trái phiếu của nhóm Bamboo Capital.

Với danh mục AFS, phần lợi nhuận đánh giá lại từ việc nắm giữ cổ phiếu SHB giảm hơn 50% so với quý I, trong khi các cổ phiếu khác đều lỗ. Theo quy định, phần lãi/lỗ đối với AFS không hạch toán trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh. Lỗ chưa thực hiện ghi nhận trên "báo cáo thu nhập toàn diện khác". Ở khoản mục này, trong quý II, SHS lỗ hơn 600 tỷ đồng.

Ngoài tự doanh, các mảng hoạt động kinh doanh chính của SHS đều sụt giảm. Doanh thu môi giới giảm hơn 40% so với cùng kỳ, chỉ còn 85 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 15% xuống 137 tỷ đồng.

Ngoài SHS, Chứng khoán Bảo Minh (BMS) hay Chứng khoán Tiên Phong (ORS) cũng gặp tình trạng tương tự.

"Chi phí tăng cao chủ yếu là chi phí của hoạt động tự doanh do ảnh hưởng từ việc giảm mạnh của thị trường chứng khoán dẫn tới lợi nhuận sau thuế quý II âm hơn 128 tỷ đồng, giảm 340% cùng kỳ", phần giải trình của ORS cho biết.

Trong quý II, chi phí hoạt động của ORS tăng đột biến lên gần 700 tỷ đồng, chủ yếu do cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục, dẫn đến ghi nhận lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL.

Trong đó, ORS lỗ hơn 24 tỷ đồng do bán hơn 1,2 triệu cổ phiếu SSI với giá chỉ bằng một nửa giá mua vào. Công ty này cũng bán ra hơn 10 triệu cổ phiếu các mã khác, lỗ gần 63 tỷ đồng. Với trái phiếu, ORS lỗ hơn 280 tỷ đồng.

Với các hoạt động khác, tương tự SHS, doanh thu môi giới, tư vấn đầu tư hay tư vấn tài chính của ORS đều giảm mạnh so với quý II năm trước.

Với Chứng khoán Bảo Minh, công ty này cũng trong tình trạng tương tự. Lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) trong quý II của BMS chỉ ghi nhận gần 122 tỷ đồng, giảm gần 40%. Trong khi đó, lỗ do đánh giá lại FVTPL tăng gấp 8 lần lên gần 277 tỷ đồng.

Trong khi các mảng hoạt động khác chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, việc sụt giảm mạnh của mảng môi giới khiến BMS lỗ ròng hơn 130 tỷ đồng trong quý II, so với mức lãi ròng gần 130 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BMS lỗ gần 33 tỷ đồng.

Minh Sơn

Tags:

Công ty chứng khoán lỗ

tự doanh

cổ phiếu

thị trường chứng khoán

đầu tư chứng khoán

Sức khỏe doanh nghiệp

Tin

Tin nóng

Tin cùng chuyên mục