'Người chưa bao giờ tức giận đó, 40 tuổi đã bị ung thư': Kìm nén tức giận sẽ đoạt mạng sống của bạn là có thật
Khoan dung là một phẩm chất tốt đẹp, nhưng nhiều lúc hãy cho phép bản thân mình "ích kỷ" một chút.
KHÔNG nổi nóng KHÔNG cáu giận KHÔNG phải là điều tốt
Cuối tuần trước tôi về quê, thấy gia đình hàng xóm có đám. Hỏi ra mới biết, chú hàng xóm vừa qua đời. Nghe nói bị ung thư gan, lúc phát hiện đã là giai đoạn cuối, hơn hai tháng sau thì mất, vừa mới qua sinh nhật tuổi 40.
Nghe kể công việc của chú là một nhân viên chăm sóc khách hàng, ngày ngày phải đối mặt với vô số người. Trong đó cũng có không ít người thiếu tố chất, cố tình cà khịa, gây sự. Hàng ngày đi làm bị làm khó dễ, to tiếng vài chục lần là chuyện quá đỗi bình thường đối với chú.
Bởi đối phương là khách hàng nên chú không thể đáp trả, lại không đủ dũng khí nghỉ việc. Cứ mãi bị nhiếc mắng và cứ mãi chịu nhịn. Ai ngờ cuối cùng lại lâm vào kết cục này.
Nhìn cô con gái 10 tuổi của chú ôm di ảnh bố trong tay, tôi cảm thấy thật chua cay.
Cổ nhân có câu "bách bệnh sinh ra từ khí", "nộ thương can, ưu thương phế", ý chỉ tức giận dễ gây tổn thương gan, ưu sầu dễ gây tổn thương phổi. Tâm trạng không tốt dễ khiến hoạt động của các cơ quan nội tạng và hệ bài tiết bị bất thường, chán ăn, tiêu hóa kém. Phiền muộn, sầu não quá lâu còn khiến huyết áp tăng cao và gây bệnh tim mạch vành.
Bởi vậy, một số người khi nóng giận thường tự nói với mình "tức giận hại mình, không được tức giận", rồi cố tình kìm nén cơn giận.
Nhưng thật không ngờ rằng, kìm nén tức giận ở trong lòng còn nguy hại hơn cả việc nổi cáu. Bởi những cảm xúc tiêu cực mà bạn cố tình kìm nén, cuối cùng sẽ trở thành hiểm họa đối với sức khỏe.
Kìn nén cảm xúc quá lâu, thực sự sẽ đoạt mạng sống của bạn
Bác sỹ tâm thần người Áo Stekel từng đưa ra một khái niệm mang tên "cơ thể hóa". Để chỉ nếu một người dồn nén quá nhiều cảm xúc tiêu cực trong lòng, khi lo lắng, khủng hoảng, phẫn nộ hoặc bi thương đạt mốc giới hạn, cơ thể sẽ có những phản ứng chân thực để thể hiện những cảm xúc bị kìm nén đó.
Đơn giản là "nhịn lâu sẽ sinh bệnh".
Tôi có ba người bạn thân, một người cố chấp, thích kiểm soát người khác, một người tính tình nóng nảy, chỉ cần châm ngòi là cháy, còn một người thứ 3 tên Vy luôn nhỏ nhẹ với người khác, thân thiện dễ gần. Vậy mà người mắc bệnh ung thư vú lại là Vy, người mà chưa từng nổi nóng với bất cứ ai.
Rất nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao người mắc bệnh lại Vy, một cô gái thân thiện và dễ gần. Thế nhưng, nếu thân thiết và hiểu tính Vy, sẽ không cảm thấy lạ.
Vy không nóng giận bao giờ, không phải là không có gì để tức giận mà là thường xuyên kìm nén cảm xúc trong lòng. Không thổ lộ, không mở lòng thì làm sao mà khỏe mạnh được.
Sigmund Freud từng nói rằng: "Những cảm xúc không được thể hiện sẽ không bao giờ tiêu tan. Chúng chỉ bị tạm thời chôn vùi và sẽ xuất hiện trở lại bằng hình thức tồi tệ hơn trong tương lai".
Thường xuyên kìm nén cảm xúc, giống như một quả bóng bay từ từ được bơm đầy khí. Nếu không kịp thời nhả khí mặc chúng tích tụ ngày càng nhiều, bóng bay sớm muộn cũng sẽ bị vỡ tung.
Muốn có một sức khỏe tốt, không nhất thiết phải từ bỏ cảm xúc mà cần phải biết cách phóng thích cảm xúc hợp lý và kịp thời.
Có những lúc, hãy cho phép bản thân được "ích kỷ" một chút
Tôi có cậu bạn cấp 3, kể từ năm 18 tuổi chưa từng về nhà.
Mỗi dịp tết đến khi mà mọi người ai cũng tất bật trở về đoàn tụ với gia đình, còn cậu ấy hoặc là đi du lịch, hoặc là nằm lì trong phòng trọ. 10 năm rồi, năm nào cũng như vậy.
Bố cậu ấy là người nghiện rượu, còn mẹ thì ham mê lô đề. Mỗi khi có gì không suôn sẻ, bố mẹ cậu ấy thường lôi cậu ra để trút giận. Ba năm học chung cấp 3, những vết thương chịu trận đòn roi trên người cậu ấy chỉ có tăng lên chứ không bao giờ giảm đi.
Cũng chính vì điều này, mà cậu ấy không học đại học, sau khi tốt nghiệp cấp ba một mình lên thành phố bươn chải mưu sinh.
Đến giờ, cậu ấy không còn bị ăn đòn nữa, những vẫn không muốn về nhà. Bởi mỗi khi về nhà, cậu sẽ nhớ lại những trận đòn roi trước đó, cậu sẽ cảm thấy đau khổ và phẫn nộ.
Nhiều người thân trong gia đình khuyên cậu hãy bỏ qua quá khứ, bởi mọi chuyện đã qua, giờ cha mẹ đã già, dù gì cũng là máu mủ ruột thịt hãy nên tha thứ cho nhau. Nhưng cậu ấy vẫn giữ quyết tâm sắt đá, ngoài gửi tiền phụng dưỡng không còn bất cứ giao lưu tình cảm nào khác.
Có lần cậu ấy tâm sự rằng, cậu ấy không thể tha thứ được những tổn thương mà cha mẹ đã gây ra cho cậu. Nếu như hòa giải, ép cậu trở về là đứa con hiếu thảo như xưa, cậu ấy sợ mình sẽ bị stress đến chết.
Bởi vậy, cậu ấy thà "ích kỷ" cũng không chịu "khoan dung".
Trong cuộc sống, cũng có những nỗi đau ngắn ngủi, chỉ cần chạy bộ, ca hát hoặc thổ lộ với bạn bè là có thể giải tỏa. Nhưng có những nỗi đau không thể mở lòng một cách đơn giản được.
Có những người làm rất nhiều điều quá đáng và gây tổn thương nghiêm trọng cho chúng ta. Khiến chúng ta rất muốn nổi nóng, nhưng một số người lại xúm lại khuyên ngăn "không nên tính toán, giận quá mất khôn…". Rõ ràng rất tức giận nhưng vì thể diện nên đành nuốt cục tức vào trong.
Diễn viên hài Trung Quốc, Quách Đức Cương trong một lần phỏng vấn đã từng nói rằng: "Tôi đặc biệt ghét những người không hiểu chuyện, một mực khuyên người khác phải khoan dung, những người như vậy nhất định phải tránh xa".
Khoan dung là một phẩm chất tốt đẹp, nhưng nhiều lúc hãy cho phép bản thân mình "ích kỷ" một chút. Những thứ không thể buông bỏ sẽ không buông bỏ, những việc không thể tha thứ sẽ không tha thứ.
Bởi việc đáng làm nhất trên đời này đó là hãy thương lấy chính bản thân mình.
"Con người sống ở đời, quan trọng nhất là phải vui vẻ".
Những người hoặc những việc khiến chúng ta không vui, nếu có thể quên thì hãy quên, nếu không thể quên thì hãy tránh xa.
Bực tức trong người phải kịp thời phóng thích, tuyệt đối không được kìm nén. Cuộc đời ngắn ngủi, đừng lãng phí thời gian vào việc nén giận.
Tags:ung thư
nguyên nhân gây ung thư
chăm sóc sức khỏe đúng cách
Tin cùng chuyên mục