18/08/2022 08:07

Lú lẫn - dấu hiệu sa sút trí tuệ của người già

Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết mới đây bệnh viện tiếp nhận một nữ bệnh nhân 65 tuổi, thường xuyên quên đường về nhà. Người nhà kể vài tháng trước, bà thường lặp đi lặp lại một câu hỏi nhiều lần. Khoảng một tuần trước khi nhập viện, bà có vài lần đi chơi trong cùng một ngày nhưng đều không nhớ đường về nhà. Bà có tiền sử đái tháo đường, điều trị bằng thuốc hơn 4 năm nay.

Các xét nghiệm đánh giá kiểm tra về thần kinh và tâm lý cho thấy người phụ nữ sa sút trí tuệ giai đoạn trung gian, cần nhập viện theo dõi diễn tiến bệnh, đồng thời hướng dẫn chăm sóc và tập luyện cải thiện chức năng.

Theo bác sĩ Thắng, sa sút trí tuệ là bệnh lý xảy ra do những tế bào não, hoặc đường liên kết giữa các tế bào não bị tổn thương, làm mất đi chức năng hoạt động thông thường. Đây là các chức năng cao cấp của con người, như trí nhớ, sắp xếp công việc, tính toán, tư duy, lên kế hoạch, chăm sóc bản thân, quan tâm đến người khác... Chứng rối loạn thần kinh này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, người thân mà còn tạo các gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội.

Cùng quan điểm, bác sĩ Tống Mai Trang, khoa Thần kinh, cho hay sa sút trí tuệ là bệnh thường gặp ở người cao tuổi và được xếp vào nhóm bệnh lý "báo động đỏ" trên toàn thế giới. Theo các thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ ba giây trên thế giới lại có một ca mới mắc căn bệnh này. Khi bệnh tiến triển, người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân, không thể sinh hoạt bình thường nếu không có người thân hỗ trợ. Người bệnh có thể không nhận biết được người thân, có các triệu chứng rối loạn hành vi tâm thần, như cáu gắt, nghi ngờ, kích động dẫn đến không hợp tác trong quá trình điều trị.

Bác sĩ Trang dẫn nghiên cứu của WHO cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh sa sút trí tuệ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm. Năm 2018, thế giới có 50 triệu người bị sa sút trí tuệ, ước tính năm 2030 con số này khoảng 82 triệu người, năm 2050 khoảng 152 triệu người. Trong đó, tỷ lệ mắc mới bệnh sa sút trí tuệ ở nước phát triển được kiểm soát ổn định, do tình trạng già hóa dân số đã ổn định. Còn các nước đang phát triển như Việt Nam thì tỷ lệ người bệnh tăng cao hơn, vì ở các nước đang phát triển, sự già hóa dân số diễn ra nhanh hơn các nước khác.

Tại Việt Nam, Hội bệnh Alzheimer và Rối loạn thần kinh nhận thức thống kê năm 2018 cả nước có 500.000 người trên 60 tuổi mắc sa sút trí tuệ, chiếm khoảng 5% trong nhóm tuổi này.

Sa sút trí tuệ

Bác sĩ Trang khám và test tâm thần kinh với các câu hỏi khảo sát trí nhớ, khả năng sử dụng ngôn ngữ, xử lý tình huống cho bệnh nhân nghi bị sa sút trí tuệ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ. Trong đó, phần lớn liên quan đến tình trạng thoái hóa thần kinh, điển hình nhất là bệnh Alzheimer. Thứ hai là bệnh lý liên quan đến mạch máu, cụ thể là di chứng đột quỵ. Chấn thương sọ não, Parkinson... cũng gây ra bệnh này. Một số nhóm bệnh khác như nhiễm trùng thần kinh, thiếu vi chất cũng mang đến những biểu hiện tương tự bệnh lý sa sút trí tuệ.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, theo Bộ Y tế. Thế giới ghi nhận tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ sau đột quỵ khoảng 30-60% tùy từng nghiên cứu. Tuy nhiên, bác sĩ Thắng phân tích, không phải tất cả người bệnh đột quỵ đều mắc phải tình trạng này. Những người bị đột quỵ nhiều lần, nhiều ổ tổn thương (nhồi máu não đa ổ) và đột quỵ ở vùng đồi thị (nơi chịu trách nhiệm duy trì trí nhớ, chức năng cao cấp như suy nghĩ, tính toán, lên kế hoạch...) sẽ có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn. Cùng tùy theo vùng tổn thương và mức độ tổn thương sau đột quỵ mà quyết định việc người bệnh có bị sa sút trí tuệ hay không.

Nguy cơ khởi phát bệnh mở rộng theo từng giai đoạn độ tuổi. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, trình độ học vấn thấp là tiền đề dẫn đến sa sút trí tuệ trong tương lai. Người thuộc nhóm tuổi trung niên (40-60 tuổi) có nguy cơ sa sút tăng cao nếu rơi vào các trường hợp giảm thính lực, chấn thương đầu, tăng huyết áp, béo phì, uống nhiều rượu bia. Ở giai đoạn cao niên, các bệnh lý liên quan đến mạch máu như đái tháo đường, đột quỵ, trầm cảm hoặc thói quen hút thuốc lá lâu năm, lối sống thụ động, ít tiếp xúc xã hội, giao tiếp sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.

"Mặc dù vậy, khoảng 40% các yếu tố ảnh hưởng đến não bộ gây sa sút trí tuệ có thể phòng ngừa từ sớm bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh, hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, căng thẳng kéo dài...", bác sĩ Thắng nói.

Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ không phải là hiện tượng lão hóa tự nhiên, các biểu hiện của hội chứng này đều mang tính chất bệnh lý, bác sĩ Trang cho biết. Người bệnh và thân nhân có thể dựa vào 10 dấu hiệu cảnh báo sau để nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh. Bao gồm giảm trí nhớ; khó khăn khi thực hiện các công việc quen thuộc; khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt ý; mất định hướng về thời gian và nơi chốn; giảm khả năng đánh giá tình huống; thay đổi về thái độ và hành vi; khó khăn trong việc hiểu thông tin về thị giác và không gian; rút khỏi công việc và các hoạt động xã hội.

Việc phát hiện và điều trị sớm sa sút trí tuệ giúp người bệnh kiểm soát tình trạng và duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn trong giai đoạn đầu. Đồng thời có thời gian để lập kế hoạch, đưa ra lựa chọn phương pháp điều trị và chăm sóc phù hợp. Thêm nữa, người thân và người chăm sóc sẽ có thời gian thích nghi dần với những thay đổi của người bệnh về nhận thức và hành vi.

Thư Anh

Tags:

sa sút trí tuệ

bệnh người già

Alzheimer

di chứng đột quỵ

Thường thức về sức khỏe

Bệnh học

Phổ biến kiến thức

Tin cùng chuyên mục