18/11/2020 09:32

Liên tiếp các vụ nghi tự tử ở TP.HCM: Làm sao phát hiện, hỗ trợ người bị trầm cảm?

 Chỉ trong một tuần có đến 2 vụ nghi tự tử tại TP.HCM. Nạn nhân đều là phụ nữ sống đơn thân, ở chung cư cao tầng và đều nhảy lầu sau khi bị trầm cảm.

Liên tiếp các vụ nghi tự tử ở TP.HCM: Làm sao phát hiện, hỗ trợ người bị trầm cảm?

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển: "Khi người bệnh đột nhiên trở nên bình tĩnh khác thường, không còn buồn bã hay khóc lóc, đây là lúc cực kỳ nguy hiểm vì bệnh nhân gần như đã đi đến một quyết định kinh khủng" - Ảnh: T.H.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ CKII HUỲNH THANH HIỂN (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) nói: "Cuộc sống đơn thân, không có người cùng chia sẻ, người bị bệnh trầm cảm rất dễ nảy sinh ý tưởng tự tử. Ngoài ra, lối sống trong chung cư tương đối khép kín và ít giao tiếp càng làm cho ý tưởng tự tửcủa một con người dễ trở sự thật".

Làm sao biết người trầm cảm muốn tự tử?

* Diễn biến phát sinh bệnh và quá trình để một con người đi đến quyết định tự tử là gì, thưa bác sĩ?

- Hành vi tự tử thường trải qua 3 giai đoạn gồm ý tưởng tự tử (có ý nghĩ muốn chết nhưng chưa hành động); mưu toan tự tử (có hành vi tự tử nhưng không thành công) và cuối cùng là tự tử (hành vi tự tử dẫn đến tử vong).

Trong đời sống hằng ngày, có thể nhận biết một số dấu hiệu đánh giá một trường hợp toan tự tử là từ thổ lộ ý tưởng toan tự tử với người khác, có thể là người thân hoặc bạn bè.

Liên tiếp các vụ nghi tự tử ở TP.HCM: Làm sao phát hiện, hỗ trợ người bị trầm cảm?

Chung cư ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), nơi xảy ra vụ tự tử của nữ luật sư ngày 15-11 - Ảnh: MINH HÒA

* Làm sao để nhận biết các dấu hiệu đó và khi nhận biết được, chúng ta nên làm gì? Bởi cả hai trường hợp tự tử vừa qua đều được biết đến là có "các biểu hiện tâm lý không bình thường" hoặc đang trong quá trình điều trị "rối loạn giấc ngủ" tại bệnh viện...

- Chúng ta có thể xem xét mức độ mãnh liệt của ý tưởng/ý định mưu toan tự tử bằng các câu hỏi theo trình tự như sau:

Thứ nhất là hỏi họ có mặc cảm mình là một người thất bại không?

Thứ hai là hỏi họ có cảm thấy mình vô dụng không?

Thứ ba là hỏi họ có ý tưởng cho rằng mình là một gánh nặng cho gia đình và người thân?

Thứ 4 là hỏi họ có hay suy nghĩ về cái chết hay không?

Và cuối cùng hỏi họ có nghĩ rằng nếu mình chết đi sẽ giải thoát cho mình và sẽ tốt hơn cho gia đình hay không?

Nếu cả 5 câu trả lời này là có, đó chính là "báo động đỏ". Bởi lúc này ý tưởng tự tử và mưu toan tựtửđến rất gần, cần được can thiệp y khoa.Đặc biệt là khi đột nhiên bệnh nhân trở nên bình tĩnh khác thường, không còn buồn bã hay khóc lóc nữa. Đây là lúc cực kỳ nguy hiểm vì bệnh nhân gần như đã đi đến một quyết định kinh khủng sau một thời gian "suy nghĩ nghiền ngẫm"."Liều thuốc" trị trầm cảm từ gia đình, người thân* Các vụ việc gần đây cho thấy tự tử có vẻ đang phổ biến? Bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

- Chưa thể kết luận việc lựa chọn lối thoát tự tử đang rất phổ biến vì hiện không có con số thống kê cụ thể. Có thể do tin tức và truyền thông lan truyền nhanh nên có cảm tưởng hơn (đặc biệt nếu người tự tử là một người nổi tiếng).

Tuy nhiên về diễn biến của bệnh lý, nếu trầm cảm nặng không được can thiệp y khoa sớm, rất dễ dẫn đến ý tưởng toan tự tử, cộng thêm thiếu sự nâng đỡ của bạn bè, người thân..., người trầm cảm dễ có hành vi toan tự tử.

Nhưng trầm cảm cũng chỉ là một dạng bệnh lý, có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên thời gian điều trị, theo dõi phải cần ít nhất 6 tháng bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

* Với những người có dấu hiệu trầm cảm được phát hiện, gia đình, cộng đồng xã hội cần làm gì để giúp họ?

- Cuộc sống hiện đại làm cho con người có nhiều mối lo toan, các thành viên trong gia đình đều rất bận rộn. Họ ít có thời gian dành cho nhau và cũng ít tâm sự, chia sẻ với nhau. Ngoài ra, sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng còn hạn chế nên thường bỏ qua những trường hợp người thân có ý tưởng tự tử.

Theo tôi, điều cần thiết phải làm khi phát hiện người thân có ý tưởng toan tựtửlà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa để khám và có những can thiệp y khoa phù hợp. Song song đó, sự nâng đỡ, lắng nghe của bạn bè và người thân hằng ngày chính là một "liều thuốc" vô cùng quan trọng, có thể giúp phát hiện và làm dịu đi ý tưởng tựtử...

Cứ 40 giây thế giới lại có 1 người tự tử

Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển cho biết tự tử là một trạng thái bất ổn tâm lý có thể do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân tâm thần - tâm lý chiếm hầu hết các trường hợp (trên 80%). Trong nguyên nhân tâm thần - tâm lý thì trầm cảm chiếm tỉ lệ cao nhất, cùng với các bệnh lý khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, nghiện chất…

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 40 giây có 1 người tự tử, hơn 2.000 ca mỗi ngày, hay 804.000 người tự tử mỗi năm. Trong số này, tỉ lệ toan tự tử ở nữ giới lớn hơn nam giới nhưng nam tử vong nhiều hơn nữ (do nam giới thường sử dụng hình thức tự tử quyết liệt và bạo lực hơn).

Khi nữ luật sư rơi lầu chung cư tử vong, trên bàn làm việc có gì?

TTO - Điều tra ban đầu, cơ quan chức năng quận Thủ Đức, TP.HCM nhận định có thể nữ luật sư nhảy lầu tự tử do bị trầm cảm.

HOÀNG LỘC - THU HIẾN thực hiện

Tags:

trầm cảm;bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển;Tự tử;bệnh viện tâm thần;bệnh trầm cảm;rối loạn giấc ngủ;bác sĩ chuyên khoa tâm thần;nhảy lầu tự tử;Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển;bệnh tâm thần

Tin cùng chuyên mục