Làm thế nào để dùng thuốc giảm đau an toàn?
Sử dụng thuốc giảm đau hợp lý giúp giảm đau hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về thể chất và tâm lý, thậm chí gây nghiện...
Trong cuộc sống, chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải nhiều triệu chứng đau nhức khác nhau như đau đầu, đau răng, khớp, cơ, đặc biệt là những cơn đau dữ dội kéo dài có thể trở thành cực hình không thể chịu đựng được. Để giảm đau nhức, một số người phải dùng thuốc giảm đau, thậm chí dùng thuốc giảm đau trong thời gian dài.
Để giải quyết vấn đề đau nhức, một số người phải dùng thuốc giảm đau.
Thuốc giảm đau thường chia thành hai loại:- Loại thứ nhất là thuốc chống viêm và giảm đau tác động lên hệ ngoại vi: Những loại thường được sử dụng bao gồm aspirin, ibuprofen, paracetamol... có hiệu quả đối với các trường hợp đau đầu, đau răng, đau dây thần kinh, đau cơ, đau khớp mức độ nhẹ đến vừa.
Khi cơ thể bị viêm, nhiều yếu tố gây viêm sẽ được sản sinh ra, có thể gây đỏ, sưng, nóng, đau ở các khớp và các mô mềm xung quanh. Những loại thuốc này có thể ngăn chặn các enzyme tổng hợp các chất gây viêm và gây đau, đồng thời có tác dụng chống viêm, hạ sốt và giảm đau. Bản thân những thuốc giảm đau này không gây nghiện.
- Loại thứ hai tác động lên hệ thần kinh trung ương: Đại diện là morphin, tramadol và các loại thuốc khác... Thuốc có tác dụng giảm đau từ vừa đến mạnh và có thể gây lệ thuộc (nghiện thuốc) nếu sử dụng trong thời gian dài. Tuy nhiên, đây là những thuốc kê đơn được quản lý chặt chẽ.
Khi sử dụng thuốc giảm đau, nên tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của bác sĩ.
2. Nên sử dụng thuốc giảm đau như thế nào cho đúng?
Đau là triệu chứng của bệnh lý nên có rất nhiều nguyên nhân gây đau. Bên cạnh đó, không phải cơn đau nào cũng phù hợp với thuốc giảm đau. Do đó, khi xuất hiện triệu chứng đau, nên đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Khi sử dụng thuốc giảm đau, nên tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý tăng liều, giảm liều hoặc tăng tần suất dùng thuốc (đặc biệt là các thuốc giảm đau opioid). Đôi khi việc chủ quan tăng tần suất và liều lượng thuốc không làm tăng tác dụng giảm đau mà còn tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Nếu đang sử dụng các loại thuốc khác, nên chủ động thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết. Việc sử dụng kết hợp thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng phụ. Ví dụ như thành phần thuốc giảm đau cũng thường có trong một số loại thuốc cảm tổng hợp. Sử dụng chúng cùng nhau có thể gây ra vấn đề quá liều.
Không uống rượu khi dùng thuốc. Rượu có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng phụ của thuốc giảm đau. Ví dụ, sử dụng thuốc giảm đau paracetamol cùng với rượu có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Lưu ý, đau là một dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe thể chất. Nếu sử dụng thuốc giảm đau hơn 3 ngày mà cơn đau không thuyên giảm hoặc thậm chí còn trầm trọng hơn thì nên đi khám ngay lập tức.
DS. Vũ Thuỳ Dương
Tags:thuốc giảm đau
Tin cùng chuyên mục