Giám đốc bệnh viện khóc khi nói về thu nhập của nhân viên
Bác sĩ Tuyết cho biết hai người con của bà đều chọn ngành y tế. "Tôi nói với con, nếu muốn làm giàu thì nên chọn ngành khác, còn chọn ngành y tế phải giàu tình thương, trách nhiệm", bà nghẹn giọng, dừng lại hồi lâu.
Bà nói, bác sĩ muốn bước vào trường y phải học hành ở tốp trên, thi đậu điểm cao, mang nhiều tâm huyết, nhưng lương bác sĩ trẻ chỉ khoảng 7-8 triệu đồng một tháng. Mức lương này ở TP HCM rất khó sống. "Một tháng, một năm, 5 năm thì có thể được, nhưng 10-20 năm thì không thể bền bỉ được", bà Tuyết nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương mong thành phố có những chính sách hỗ trợ để nhân viên y tế yên tâm cống hiến lâu dài, vừa được làm việc trong môi trường an toàn, đầy đủ trang thiết bị, vừa có mức lương tương đối để có thể hãnh diện khi đi ra ngoài. Đồng lương không đảm bảo, nếu nhân viên y tế nghỉ việc thì sẽ thiếu hụt lực lượng chăm sóc sức khỏe người dân.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, dừng lại khi phát biểu tại cuộc gặp Bí thư Nguyễn Văn Nên, sáng 5/8. Ảnh: X.A
Cũng đề cập đến những bất cập về chính sách đãi ngộ, bác sĩ Đỗ Thị Tân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1, cho biết 27 năm làm việc tại đây, nhiều lần bà muốn nghỉ hoặc chuyển việc vì công việc quá nhiều và áp lực, phải bỏ thêm công sức làm ngoài giờ trong khi thu nhập thấp. "Lương không đủ trang trải cuộc sống, chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của chồng, của gia đình, mới có thể trụ vững với nghề", bác sĩ nói.
Theo bà Tân, các bác sĩ rất ít người đầu quân về trung tâm y tế, nếu có thường chỉ gắn bó một thời gian ngắn, sau khi xong các chương trình đào tạo thường xin nghỉ việc. Đặc biệt, trong đại dịch, nhân viên y tế cơ sở đổ mồ hôi, nước mắt nhiều nhưng chưa được đền đáp xứng đáng. Thời gian qua, trung tâm ghi nhận 21 trường hợp xin nghỉ việc, có những người đã gắn bó 5-10 năm. Dù đã tuyển dụng lại người mới nhưng đa số nhân viên trẻ, chưa có kinh nghiệm, dẫn đến công việc của trung tâm nhiều khó khăn.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Y dược học dân tộc TP HCM, cũng bày tỏ tâm tư khi nhiều nhân viên y tế xin nghỉ, hoặc thể hiện sự tủi thân sau đợt cao điểm chống dịch. Nhiều nhân viên lao vào chống dịch, chăm sóc sức khỏe người dân, đến khi nhìn lại thì gia đình mình cũng mất mát nhưng lại không lo được gì.
Theo bác sĩ Lộc, nghề y hiện nay không có phụ cấp thâm niên, có những y bác sĩ cấp cứu phải làm 3 ca 4 kíp, ra trực đáng lý được nghỉ ngơi dưỡng sức nhưng vì cơ quan, vì người bệnh vẫn phải ở lại làm việc. Ngày này qua tháng nọ, họ không có nhiều thời gian cho gia đình, chăm sóc bố mẹ già, dạy dỗ con cái. Trong khi đó, đặc thù của ngành y tế là tiếp xúc bệnh nhân đang đau ốm với tâm lý không thoải mái, người nhà thì sốt ruột, dễ dẫn đến những căng thẳng khó giải tỏa.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, ngành y tế thành phố đang đối diện với bốn thách thức, bao gồm: dịch chồng dịch, thiếu thuốc và vật tư y tế, biến động nguồn nhân lực y tế do nhân viên y tế nghỉ việc, sự lo lắng kéo dài trong một bộ phận nhân viên y tế. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 891 nhân viên y tế nghỉ việc. Dù đa số vị trí đã tuyển dụng được người mới, nhưng điều khó khăn không nhỏ là hầu hết người nghỉ việc đều có thâm niên, có kinh nghiệm, còn người mới được tuyển cần thời gian đào tạo.
Ông Thượng đề xuất thành phố không giảm số biên chế ngành y tế. Hiện, các cơ sở chưa tuyển hết số biên chế vì khó tuyển chứ không phải dư biên chế. Đặc biệt, cần có giải pháp hỗ trợ các đơn vị tự chủ tài chính về trích lập quỹ nguồn cải cách tiền lương để giải quyết thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên dẫn một cuộc điều tra xã hội gần đây, ghi nhận 6 nguyên nhân bác sĩ bỏ việc, bao gồm lương thấp (93%), không hài lòng với môi trường làm việc (57%), cường độ làm việc cao và áp lực (47%), không có cơ hội học hỏi để nâng cao kiến thức tay nghề (43%), không hài lòng với giám đốc (gần 39%), không hài lòng cấp trên trực tiếp quản lý...
Bí thư cho rằng người thầy thuốc chọn theo ngành y thì quan niệm sống gần như mặc định giúp người, cứu người. Muốn làm điều đó phải học giỏi, theo đuổi 6-7 năm trong giảng đường, không đơn giản tác động nào có thể làm họ thay đổi quan niệm nay. Tuy nhiên, nếu dồn dập nhiều thứ cùng lúc thì sức con người có hạn, không vượt qua được. Có người chia tay với ngành, rời bỏ vị trí này sang nơi khác, chắc hẳn sẽ đau đớn xót xa như chia tay người nhà.
"Tôi không tin lương thấp là lý do bỏ nghề, sự không hài lòng nào đó chỉ làm cho người ta nản lòng. Nhưng tôi tin tất cả yếu tố dồn lại cùng một lúc sẽ làm bác sĩ không thể chịu đựng", ông Nên nói. Lương là quan trọng nhưng chưa chắc quan trọng nhất, theo ông. Do đó, cần tạo môi trường làm việc, môi trường để nhân viên y tế yên tâm cống hiến. Áp lực cao thì cần lãnh đạo chia sẻ, đồng cảm, tạo điều kiện, làm điểm tựa cho nhân viên chiến đấu. Những quan tâm chia sẻ sẽ tạo nguồn vaccine tinh thần, năng lượng tình cảm, tình yêu thương để vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề.
Theo ông Nên, đại dịch đi qua để lại nhiều bài học quý giá, song cũng để lại sang chấn nặng nề về tinh thần, tâm lý, tình cảm. Nhân viên y tế đã trải qua những tháng ngày cam go, căng thẳng chưa có tiền lệ, đương đầu với những khó khăn sinh tử tưởng chừng không thể vượt qua. Sứ mệnh tiếp tục chăm lo sức khỏe hơn 10 triệu người dân vốn không đơn giản, đòi hỏi ngành y tế phải tiếp tục hy sinh, xoay xở vượt qua khó khăn.
Bí thư đề nghị lãnh đạo các nơi phải phân công, tính toán chia lửa công việc hợp lý, không tạo ra cường độ công việc quá cao, là điểm tựa cho nhân viên chia sẻ. Phải có chế độ hỗ trợ đối với những cống hiến to lớn, không để nhân viên y tế thiệt thòi. Cần chính sách thi đua khen thưởng, nếu chưa phát lương thì có thể có hoạt động khen thưởng đột xuất, bồi dưỡng thêm để anh em có xăng xe đi lại, lo cho người dân. "Nếu cần gì có thể đề xuất lên trên để được phối hợp giải quyết", bí thư Nên nói.
Tags:
thu nhập nhân viên y tế
lương bác sĩ
lương thấp
TP HCM
Chính sách sức khỏe
Bối cảnh
Tin cùng chuyên mục