Giải mã lệnh tăng quân của Tổng thống Putin giữa lúc chiến sự nóng rực
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Vladimir Putin ngày 25/8 đã ký sắc lệnh tăng quy mô các lực lượng vũ trang Nga. Theo sắc lệnh được công bố trên trang web của Điện Kremlin, Nga sẽ bổ sung 137.000 quân nhân chiến đấu, lên 1,15 triệu người kể từ ngày 1/1/2023, đồng thời đề nghị chính phủ dành ra một khoản kinh phí để chi trả cho họ. Quy mô của quân đội Nga, bao gồm cả nhân viên quân sự và dân sự, sẽ tăng từ 1,9 triệu lên 2,04 triệu người.
Đây là lần đầu tiên sau 5 năm Tổng thống Putin ra lệnh thay đổi quân số lực lượng vũ trang Nga. Lần gần nhất ông Putin quyết định tăng quy mô quân đội Nga là vào tháng 11/2017, khi số quân nhân chiến đấu được ấn định là 1,01 triệu người.
Theo New York Times, sắc lệnh trên đã đảo ngược những nỗ lực kéo dài nhiều năm qua của Điện Kremlin nhằm tinh giản quân đội. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.
Nguy cơ thiếu nhân lực
Lực lượng Nga tiếp quản một nhà máy ở Ukraine sau các cuộc giao tranh (Ảnh: Reuters).
Sắc lệnh của Tổng thống Putin được đưa ra vào thời điểm chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang bước sang tháng thứ 7. Giới phân tích nhận định Nga dường như chưa đạt được các mục tiêu do nước này đặt ra kể từ khi bắt đầu chiến sự. Sau các cuộc giao tranh kéo dài, quân đội Nga cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực.
"Mối lo ngại lớn nhất của Điện Kremlin trong cuộc chiến tại Ukraine lúc này là nhân lực", Oscar Jonsson, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển ở Stockholm, nhận định.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết ngay cả trước khi xung đột nổ ra, các lực lượng vũ trang của Nga có thể đã thiếu 150.000 người so với mục tiêu đặt ra là một triệu người. Nga không thường xuyên cập nhật số binh sĩ nước này thiệt mạng và bị thương trong các cuộc giao tranh với Ukraine. Trong lần công bố hiếm hoi vào tháng 3, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận 1.351 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, các nhà quan sát Ukraine và phương Tây cho rằng con số thực tế cao hơn so với dữ liệu do phía Nga công bố. Vào đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl ước tính 70.000-80.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine kể từ khi chiến dịchquân sựbắt đầu nổ ra hồi tháng 2.
Tổng thống Putin hồi tháng 6 đã ký sắc lệnh cấp khoản tiền 5 triệu rúp (81.500 USD) cho gia đình của các thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga tử trận tại Ukraine. Lực lượng Vệ binh Quốc gia là lực lượngquân sựtrong nước của Nga, nhưng đã tham gia vào các hoạt động quân sự ở Ukraine, bao gồm kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Lực lượng này được thành lập vào năm 2016 với nhiệm vụ chống khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Trước đó, Tổng thống Putin hồi tháng 3 cho biết các gia đình của các binh sĩ Nga thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ ở Ukraine sẽ nhận được khoản bồi thường hơn 7 triệu rúp từ chính phủ Nga.
Chuẩn bị cho cuộc xung đột kéo dài
Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào mục tiêu ở Donetsk (Ảnh: Reuters).
Bất chấp những tổn thất và thách thức mà Nga phải đối mặt sau 6 tháng xung đột, Tổng thống Putin dường như không có kế hoạch rút quân khỏi Ukraine. Sắc lệnh tăng quân của ông chủ Điện Kremlin cũng là tín hiệu cho thấy Nga sẽ tiếp tục duy trì cuộc chiến tại quốc gia láng giềng.
"Đây không phải là động thái mà bạn thực hiện khi bạn dự đoán cuộc chiến sẽ nhanh chóng kết thúc. Ngược lại, đây là điều bạn làm khi lên kế hoạch cho một cuộc xung đột kéo dài", Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của tổ chức tư vấn RAND Corporation tại Mỹ, nhận định về sắc lệnh tăng quân của Tổng thống Nga.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cuộc chiến ở Ukraine có thể kéo dài đến mùa đông năm sau, thậm chí lâu hơn nữa. Các cuộc tiến công của Nga ở miền Đông và miền Nam Ukraine đã chậm lại, trong khi không bên nào tỏ ra sẵn sàng đàm phán hoặc thỏa hiệp. Một quan chức an ninh hàng đầu của Ukraine gần đây đã cảnh báo, những ngày khó khăn nhất của cuộc xung đột có thể vẫn còn ở phía trước.
"Sẽ rất khó khăn. Mọi thứ sẽ không dễ dàng. Nếu ai đó nghĩ rằng Ukraine đã vượt qua giai đoạn khó khăn và từ giờ trở đi mọi việc sẽ thuận lợi thì thật không may, điều đó sẽ không xảy ra như vậy", Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Giới chức Ukraine vẫn tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ cả về tài chính và vũ khí. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/8 tiếp tục cam kết duy trì sự ủng hộ với Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, quân đội Ukraine vẫn chưa giành lại nhiều vùng lãnh thổ mà Nga và phe ly khai đang kiểm soát trong những tuần gần đây, bất chấp hàng loạt các cuộc tấn công chính xác vào phía sau chiến tuyến của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 23/8 cho biết, việc Nga giảm tốc độ chiến dịchquân sựđặc biệt ở Ukraine là quyết định có chủ ý và mục tiêu của Moscow là giảm thiểu thương vong cho dân thường. Trước đó, ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine, nhận định tình hình chiến sự đang rơi vào bế tắc và Nga đạt được rất ít bước tiến trong tháng qua.
Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các thành phố ở Ukraine. Giới chức Mỹ cảnh báo Moscow có thể sớm cố gắng tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ở các khu vực do Nga kiểm soát, tương tự kịch bản từng xảy ra ở bán đảo Crimea năm 2014.
Tổng thống Putin trong tháng này tuyên bố quân đội Nga sẽ "giải phóng" miền Đông Ukraine theo "từng bước", ngay cả khi những người theo lập trường cứng rắn ở Nga đang thúc giục các nhà lãnh đạo leo thang cường độ giao tranh và huy động thêm nguồn lực của đất nước.
Những lời kêu gọi leo thang xung đột ngày càng mạnh mẽ hơn sau vụ đánh bom chiếc xe chở Daria Dugina, con gái một học giả nổi tiếng, khiến cô thiệt mạng và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ quân sự của Nga ở Crimea.
Mặc dù Điện Kremlin khẳng định chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, song các nhà phân tích vẫn không thể "giải mã" động thái tiếp theo của Tổng thống Putin: Liệu Nga đang chuẩn bị tăng cường độ của chiến dịch, hay duy trì chiến dịch ở tốc độ hiện tại, hoặc tìm cách kết thúc chiến tranh?
Hầu hết chuyên gia về Nga đều thừa nhận việc cố gắng dự đoán Tổng thống Putin, một sĩ quan tình báo Liên Xô, là một thách thức. Tuy nhiên sắc lệnh tăng quân gần đây là tín hiệu cho thấy, ông Putin sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine, mặc dù không rõ quân đội Nga sẽ đạt được mục tiêu bằng cách nào.
"Đó là một thông báo đáng lo ngại", nhà nghiên cứu Massicot nói.
Thích ứng tình hình chiến sự
Đoàn xe của lực lượng thân Nga ở Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).
Dưới thời Tổng thống Putin, quân đội Nga đã chuyển đổi từ một lực lượng phụ thuộc vào lính nghĩa vụ trở thành một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp giống mô hình quân đội phương Tây. Trong nhiều năm, Bộ Quốc phòng Nga đã nỗ lực để ký hợp đồng tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, đồng thời giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới từ 18-27 tuổi xuống còn một năm.
Điện Kremlin khẳng định chỉ có quân nhân chuyên nghiệp và lính tình nguyện viên tham gia chiến đấu ở Ukraine, đồng thời coi cuộc chiến tại quốc gia láng giềng chỉ là một "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Theo Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại viện nghiên cứu CNA ở Mỹ, sắc lệnh mới của Tổng thống Putin "không nhất thiết là tiền đề cho một đợt tuyển quân lớn hơn hoặc một cuộc tổng động viên, mà có thể là cách để đáp ứng các nỗ lực tuyển quân hiện tại".
Ông Kofman cho rằng, Nga có thể tăng quân số bằng bổ sung các lực lượng vũ trang của phe ly khai ở miền Đông Ukraine vào hàng ngũ, "nhất là khi Nga tiến hành sáp nhập" các khu vực đó.
Tổng thống Putin chưa tuyên bố bất kỳ đợt tổng động viên quy mô lớn nào, bất chấp dự đoán từ các nhà phân tích và giới chức phương Tây rằng ông sẽ làm như vậy để thay thế các binh sĩ thiệt mạng và bị thương ở Ukraine.
Thay vào đó, các nhà chức trách Nga đã thu hút quân nhân nhập ngũ bằng cách cung cấp cho họ các ưu đãi hấp dẫn và các phúc lợi cần thiết khác. Hồi tháng 5, ông Putin đã ký một đạo luật bỏ giới hạn độ tuổi 40 đối với những tân binh.
AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, sau khi trải qua những tổn thất về quân số trong 6 tháng xung đột ở Ukraine, Lầu Năm Góc tin rằng "nỗ lực này khó có thể thành công, vì Nga trong lịch sử từng không đạt được các mục tiêu về nhân sự và sức mạnh".
"Nga đã bắt đầu cố gắng mở rộng các nỗ lực tuyển quân. Họ đã thực hiện điều này một phần bằng cách loại bỏ giới hạn độ tuổi tân binh", quan chức Mỹ cho biết thêm.
Quan chức Mỹ nói rằng, nhiều tân binh Nga "được cho là lớn tuổi hơn quy định, không đủ sức khỏe và không được đào tạo bài bản".
Các nhà phân tích đánh giá sắc lệnh của Tổng thống Putin không nhất thiết dẫn đến một đợt tuyển quân mới - điều mà Điện Kremlin đã cố gắng tránh để duy trì tâm lý ổn định của người dân. Thay vào đó, sắc lệnh có thể cho phép tăng số lượng thanh niên nhập ngũ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, hoặc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Một số quan điểm cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Putin có thể đặt nền tảng về chính sách và ngân sách cho việc tích hợp các lực lượng khác vào quân đội Nga, như các tiểu đoàn "tình nguyện viên" đang chiến đấu ở Ukraine, hoặc lực lượng từ Chechnya và các khu vực khác của Nga.
Pavel Luzin, nhà phân tích quân sự Nga, cho biết sắc lệnh tăng quân của Tổng thống Putin sẽ đưa quy mô lực lượng Nga trở lại mức đầu những năm 2000, khi các binh sĩ Nga tham gia cuộc chiến Chechnya lần hai.
Ông Luzin nhận định, trong bối cảnh dân số Nga ngày càng thu hẹp và những tổn thất mà Nga phải hứng chịu suốt 6 tháng chiến sự, Moscow phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc tập hợp đủ lực lượng quân nhân để đạt được các mục tiêu đề ra ở Ukraine.
"Quân đội Nga trong điều kiện hiện nay khó có thể trở thành đội quân triệu người, nhất là khi họ phải đối mặt với những tổn thất nặng nề và sự mất mát hàng loạt trong điều kiện chiến tranh", chuyên gia Luzin bình luận.
Thành Đạt
Tin cùng chuyên mục