04/07/2022 06:02

Cục trưởng Y tế dự phòng: Không lo về hạn dùng vaccine Covid

Sáng 1/7, tại tọa đàm Sự cần thiết tiêm mũi 3, 4 phòng Covid-19, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận được câu hỏi có hay không việc thúc đẩy tiêm mũi nhắc lại vì vaccine sắp hết hạn?

Dẫn chứng cho tính ổn định của vaccine, ông Lân nói nếu hạn dùng là 9 tháng thì có nghĩa đơn vị sản xuất đã nghiên cứu tới 12-15 tháng, thậm chí hơn nữa. Trong 9 tháng hạn dùng, hiệu quả của vaccine như nhau, "không có chuyện tiêm lúc 7 tháng (từ ngày sản xuất) thì tốt hơn 9 tháng".

Các hoạt động từ phân bổ đến khi tiêm vaccine đều được giám sát bởi Bộ Y tế và chính quyền địa phương. "Vấn đề chất lượng vaccine từ hướng dẫn, vận chuyển, bảo quản đến sử dụng đều rất bảo đảm an toàn để bà con yên tâm đi tiêm", ông Lân nói.

Cục trưởng Y tế dự phòng cũng cho rằng, bối cảnh hiện nay, biến chủng Covid-19 lây lan nhanh, nhưng các biện pháp hành chính xã hội khó tạo được đồng thuận hoặc ảnh hưởng đến phát triển của đất nước. Tiêm vaccine có vai trò quan trọng, tạo miễn dịch để mỗi người có thể đi bất cứ đâu mà vẫn thấy an toàn.

Cục trưởng Y tế dự phòng: Không lo về hạn dùng vaccine Covid

GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: VGP

Trong hai năm qua, hàng tỷ liều vaccine Covid-19 đã được dùng trên thế giới, chỉ cần có sự bất thường ở vùng nào đấy, lập tức bị dừng. "Nói vậy để thấy rằng vấn đề an toàn và hiệu quả của vaccine luôn được giám sát bởi người dân, cơ quan y tế, WHO", ông Lân nói.

Về băn khoăn liên quan đến tác dụng phụ của mũi 3, 4, ông Lân cho rằng đã có nghiên cứu phạm vi lớn và kết luận về tính an toàn. Tuy nhiên, mỗi người khi tiêm có đáp ứng khác nhau, trong đó có vấn đề ngẫu nhiên. Đơn cử, một người ngẫu nhiên có dấu hiệu mệt mỏi vì nhiều lý do, nhưng lại cho rằng do vaccine.

Các nước phát triển đã chỉ ra rằng, tiêm mũi 3, 4 thường ít phản ứng hơn hai mũi đầu. "Không chỉ bây giờ mà kể cả nếu có những biến thể trong tương lai thì tiêm vaccine sẽ giúp giảm nhẹ rất nhiều", ông Lân nói.

Các cơ quan không thể dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu người dân tiêm phòng, nhưng ông Lân khuyến nghị nên tiêm, bởi đây là yêu cầu phòng chống dịch, bảo vệ bản thân, gia đình, xã hội, nhất là những người nguy cơ cao. Tiêm vaccine giúp giảm bớt lây nhiễm, giảm nhập viện và tử vong, từ đó giảm gánh nặng cho xã hội. "Tôi mong rằng mỗi người dân thấy trách nhiệm trong việc tiêm phòng để xã hội bình yên hơn", ông Lân kêu gọi.

TS. Socorro Escalante, quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cũng cho rằng khi còn biến chủng mới thì mỗi người dân nên tiêm vaccine dự phòng. "Chúng ta cần tiếp tục đưa vaccine đến với khu vực nguy cơ cao. Những người ở khu vực này phải được tiêm phòng để bảo vệ từng người, từng gia đình và cộng đồng", bà nói.

Với liều thứ 4, WHO khuyến cáo ưu tiên tiêm cho người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi.

Cục trưởng Y tế dự phòng: Không lo về hạn dùng vaccine Covid

TS Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Cuối tháng 6, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết có tình trạng tồn đọng vaccine Covid-19 tại trung ương và địa phương dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiêm chủng.

Trước việc người dân không muốn tiêm mũi nhắc lại khiến vaccine Covid-19 bị tồn, Bộ Y tế nhiều lần yêu cầu các tỉnh phía Nam hoàn thành tiêm vaccine đã phân bổ trước 30/6; người dân không tiêm vaccine cần ký cam kết "chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch bệnh".

Cuối tháng 6, Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Viện phó Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang quản lý khoảng 15 triệu vaccine Covid-19, trong khi còn khoảng 16 triệu người cần tiêm mũi 3.

Viết Tuân

Tags:

tiêm vaccine Covid-19

tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại

Tin nóng

Dân sinh

Tường thuật

Tin cùng chuyên mục