Cô giáo vùng cao dùng tiền chuộc trò, gian nan gieo chữ bản làng
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về điểm trường Ông Lý thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Chiềng Khừa, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Từ trung tâm huyện đến điểm trường Ông Lý chỉ hơn 30km nhưng thời gian di chuyển khá lâu vì đường đèo dốc, lởm chởm sỏi đá, bụi mù. Nhìn từ xa, ngôi trường nằm giữa lòng chảo với 4 bề bao vây bởi núi cao.
“Cắm bản để dạy học” là khái niệm đã quá quen thuộc nhưng phải đến thực tế, gặp gỡ và trò chuyện mới hiểu hết những khó khăn mà thầy cô giáo vùng cao phải gánh chịu.
Bỏ tiền túi chuộc trò về trường
Điểm trường Ông Lý có ba cô giáo và 65 học sinh lớp 1, 2 và 3 là đồng bào dân tộc thiểu số người Mông đang theo học. Cô Hàn Thị Tám (55 tuổi) hiện đang dạy lớp 2 cho biết, 10 năm trước, cơ duyên đã đưa cô từ đất mũi Cà Mau đến gắn bó với ngôi trường này.
Thời gian đầu, cô Tám gặp không ít khó khăn trong quá trình công tác. Chiềng Khừa mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Mỗi ngày, cô phải vượt qua nhiều con đường dốc quanh co bùn đất mới đến được điểm trường.
Ngược lại vào mùa khô, Chiềng Khừa đường bụi mù và đặc biệt không có nước. Để có nước sinh hoạt, các cô giáo phải đi xin nhà dân, gánh từng gánh nước lên trường.
Môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng đó chưa phải là điều khó khăn nhất. Người dân ở đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vô cùng khó khăn, quanh năm bám lấy cây lúa, cây mì trên nương, nhiều học sinh ở đây không còn bố mẹ, sống với ông bà đã già yếu, không còn minh mẫn… nên bà con chưa ý thức được sự quan trọng của việc học.
Cũng như nhiều các thầy cô giáo vùng cao khác, 3 cô giáo tại điểm trường Ông Lý thường xuyên “bám bản” đi vận động từng gia đình cho con em đến trường. Một số hộ gia đình ở xa, các cô giáo phải băng qua mấy ngọn đồi, trên con đường lởm chởm đá tai mèo mới đến được nhà học sinh.
Cô Nguyễn Kim Dung đang dạy lớp 1 tại điểm trường Ông Lý chia sẻ: “Để thuyết phục được bà con, tôi và các cô giáo khác không chỉ phải hiểu tiếng, phong tục tập quán của người Mông mà còn đến thăm nhà, mang quần áo, quà bánh đến tặng… Thường xuyên chia sẻ để bà con thấy tầm quan trọng của con chữ trong việc phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình”.
Nhớ lại kỷ niệm về một lần vận động trò đến trường, cô Hàn Thị Tám chia sẻ: “Cách đây 2 năm, khi năm học mới đã bắt đầu nhưng không thấy học sinh đến trường, tôi đến tận nhà thì mới biết, phụ huynh đưa con sang nhà khác ở đợ để trả nợ. Tôi phải hỏi địa chỉ nơi trò đang ở, đến thương lượng với chủ nhà rồi cuối cùng trả 1 triệu bằng tiền riêng để chuộc trò quay trở lại trường học”.
Ấy vậy mà quay lại trường chưa lâu, nhiều trò lại tự nghỉ học vì nhiều hủ tục lạc hậu vẫn đeo bám. Đặc biệt là nạn tảo hôn, con gái con trai lấy vợ lấy chồng từ hơn 10 tuổi nên cứ vừa biết được vài con chữ, các cô lại nghe tin trò mới lớp 3 đã nghỉ học rục rịch lấy chồng.
Vừa là cô, vừa là mẹ… để trò có ngày học trọn vẹn
Đưa được trò đến trường đã khó, giữ trò ở lại học đủ chương trình càng khó hơn. Vì đây là điểm trường không thuộc hệ bán trú nên học sinh trường Ông Lý được nhà nước hỗ trợ 150 nghìn đồng tiền học mỗi tháng nhưng không có hỗ trợ tiền ăn uống, sinh hoạt.
Nếu để học sinh về nhà nghỉ trưa thì buổi chiều các em sẽ không quay lại trường nữa, vì thế các cô đã tự tổ chức ăn trưa cho các trò ở xa. “Rau cỏ thì đi xin mỗi nhà dân một ít, đôi khi có các đoàn thiện nguyện lên hỗ trợ gạo, gia vị, dầu ăn… thức ăn bữa đầy đủ bữa thiếu nhưng các cô trò vẫn cố gắng vượt qua để các em có một ngày học trọn vẹn” - cô Kim Dung chia sẻ.
Các cô vừa là cô, vừa là mẹ, chăm lo cho học trò từ cái ăn cái mặc. Đến những ngày lễ Tết, món quà của các cô là bông hoa rừng, mớ rau, bó củi... nhưng với các cô giáo điểm trường Ông Lý, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của họ là không học sinh nào phải bỏ học giữa chừng vì nhà nghèo. Họ vẫn miệt mài bám lớp, bám trò, vượt khó để gieo chữ, gieo ước mơ thoát nghèo cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chia tay cô giáo và các em học sinh trong bịn rịn, các cô như vẫn còn nhiều câu chuyện muốn kể. Đọng lại trong tâm sự của họ là những mong muốn cháy bỏng của những người giáo viên đã nhiều năm gieo chữ cho các em học sinh, coi các em như con cái của mình.
"Chỉ mong thêm một người biết chữ, rồi nhiều người biết chữ, cái nghèo, cái đói, những hủ tục lạc hậu nơi đây sẽ dần được xóa bỏ", một cô giáo bày tỏ.
-> Cô giáo miền xuôi hơn 10 năm xa chồng con lên "gieo chữ" làng bản
Thanh Hiền
Tags:Cô giáo vùng cao, cô giáo dạy vùng cao, cô giáo trường Ông Lý,
Tags:Cô giáo vùng cao
cô giáo dạy vùng cao
cô giáo trường Ông Lý
cuộc sống cô giáo trường Ông Lý
Tin cùng chuyên mục