24/04/2022 09:02

Cách phương Tây lặng lẽ mua dầu Nga

Các tàu dầu dán nhãn "điểm đến không xác định" đang được sử dụng ngày càng phổ biến để giao dầu Nga.

Vài tuần gần đây, Nga tăng giao dầu cho các khách hàng chủ chốt, bất chấp việc đang bị xa lánh trên thị trường năng lượng toàn cầu. Dầu xuất khẩu từ các cảng của Nga sang các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) – vốn là khách hàng lớn nhất của họ – đã tăng lên trung bình 1,6 triệu thùng một ngày trong tháng 4, theo TankerTrackers.com. Xuất khẩu của Nga có thời điểm giảm xuống chỉ còn 1,3 triệu thùng một ngày trong tháng 3, sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Các số liệu tương tự từ Kpler – một hãng cung cấp dữ liệu hàng hóa cũng cho thấy xuất khẩu của Nga lên 1,3 triệu thùng một ngày trong tháng 4, cao hơn so với 1 triệu thùng trong tháng 3.

Không như trước chiến sự Ukraine, người mua dầu hiện lo ngại bị ảnh hưởng danh tiếng nếu mua dầu Nga. Vì thế, một phương pháp đang được sử dụng ngày càng phổ biến để giao hàng là các tàu dầu dán nhãn "điểm đến không xác định".

Trong tháng 4, hơn 11,1 triệu thùng dầu đã được chất lên các tàu dầu mà chưa có lịch trình định sẵn. Con số này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, theo TankerTrackers.com. Trước chiến sự, con số này gần như bằng 0.

Cách phương Tây lặng lẽ mua dầu Nga

Tàu chở dầu diesel Nga đang hướng đến cảng ở Purfleet (Anh) đầu tháng này. Ảnh: WSJ

Một lý do để che giấu nguồn gốc dầu Nga là các nước rất cần dầu thô để duy trì nền kinh tế và ngăn giá nhiên liệu leo thang. Tuy nhiên, các công ty và trung gian bán dầu phải lặng lẽ giao dịch, tránh mang tiếng là cấp tiền cho chiến dịch quân sự của Nga.

Việc gắn mác "điểm đến không xác định" là tín hiệu cho thấy dầu sẽ được đưa vào các tàu lớn hơn ở trên biển để dỡ hàng, các nhà phân tích và nhà buôn cho biết. Dầu thô Nga sau đó sẽ được trộn lẫn với các hàng hóa khác trên tàu để che xuất xứ. Đây là cách thường được sử dụng cho hàng xuất khẩu từ các nước bị trừng phạt, như Iran hay Venezuela.

WSJ trích nguồn tin từ các hãng theo dấu tàu thủy cho biết tuần trước, tàu Elandra Denali đang ở ngoài khơi Gibraltar thì nhận 3 lô hàng từ các tàu dầu xuất phát tại cảng Ust-Luga và Primorsk (Nga). Lịch trình cho thấy tàu này rời đi từ Incheon (Hàn Quốc) và dự kiến đến Rotterdam - cảng lọc dầu chính tại Hà Lan.

Các nhà buôn cũng cho biết nhiều loại dầu lọc mới mang nhãn Latvian blend và Turkmenistani blend cũng được chào bán trên thị trường. Chúng được ngầm hiểu chứa thành phần lớn là dầu Nga.

Xuất khẩu dầu là huyết mạch của kinh tế và ngân sách Nga. Quốc gia này đang nỗ lực bán ra số dầu tương đương trước chiến sự. Dù vậy, hàng tồn trong nước vẫn còn khá nhiều.

Mỹ, Anh, Canada và Australia đều đã cấm nhập dầu Nga. EU thì còn lưỡng lự, do phụ thuộc vào năng lượng nước này. Các lãnh đạo châu Âu vẫn đang tranh cãi liệu có nên cấm vận hay không, do họ phải cân bằng giữa việc cô lập Nga mà không khiến kinh tế trong nước thiệt hại vì giá nhiên liệu tăng.

Dù chưa có lệnh trừng phạt, nhiều hãng năng lượng châu Âu cũng đã tự giảm nhập dầu Nga trong vài tuần sau xung đột, do các ngân hàng ngần ngại cho vay và phí bảo hiểm tăng vọt. Tuy nhiên, với việc số dầu cập cảng châu Âu trong tháng 4 tăng lên, cũng như số tàu có "điểm đến không xác định" nhiều hơn, các công ty có vẻ đã tìm ra cách an toàn.

"Việc EU cấm hoàn toàn dầu Nga chẳng khác nào nói rằng ngày mai bạn bị giảm lương 40% nhưng vẫn phải sống như chưa có chuyện gì xảy ra", Giovanni Staunovo – nhà phân tích tại UBS Group cho biết, "Trong khi đó, dầu Nga đang rất rẻ. Nhiều người coi đây là mặt hàng hấp dẫn".

Dầu Urals của Nga hiện có giá thấp hơn Brent 20 – 30 USD một thùng. Trước xung đột, mức chênh lệch chỉ là 1 – 2 USD. Nga đang đàm phán thỏa thuận bán dầu cho người mua ở Ấn Độ.

Phần lớn dầu Nga vẫn đang được ghi điểm đến rõ ràng trong các tài liệu vận chuyển. Dầu đến Romania, Estonia, Hy Lạp và Bulgaria đã tăng gấp đôi trong tháng này so với trung bình tháng 3. Số dầu đến Hà Lan và Phần Lan cũng tăng mạnh.

Một số vội vàng mua trước nguy cơ có lệnh hạn chế mới. Số khác thì nói rằng đã ký thỏa thuận từ trước khi xung đột xảy ra.

"Việc họ mua nhiều hơn trước xung đột cho thấy nguyên nhân không chỉ là các hợp đồng dài hạn", Simon Johnson – Giáo sư kinh tế tại MIT nhận định, "Lý do là dầu rẻ. Cho đến khi có lệnh cấm vận hoàn toàn, việc này vẫn sẽ tiếp diễn".

Vài tuần gần đây, các hãng dầu lớn như Royal Dutch Shell, Repsol, Exxon Mobil, Eni, Trafigura và Vitol đã thuê tàu vận chuyển dầu thô Nga từ các cảng ở Biển Đen và biển Baltic đến EU, theo Global Witness và Refinitiv. Số hàng này đã đến Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan tháng này.

Một người phát ngôn của Repsol cho biết số hàng họ nhận được là từ hợp đồng dài hạn đã ký trước xung đột. Shell, Exxon và Eni nói rằng họ đang vận chuyển dầu từ Kazakhstan thông qua một cảng của Nga. Trafigura thì khẳng định đã mua bán ít dầu Nga hơn so với trước đây.

Hôm 7/4, Shell tuyên bố ngừng mua dầu Nga trên thị trường giao ngay, nhưng vẫn nhận dầu thô từ các hợp đồng đã ký trước chiến dịch quân sự tại Ukraine. Họ định nghĩa sản phẩm lọc dầu có xuất xứ Nga nếu chứa từ 50% dầu Nga trở lên. Điều này đồng nghĩa họ vẫn sẽ giao dịch các sản phẩm như diesel, nếu chứa 49,9% dầu Nga trở xuống.

Giới chức châu Âu đang phác thảo kế hoạch cấm vận, nhưng thời gian vẫn còn đang được cân nhắc, do Đức phản đối và Pháp sắp bầu cử. Một số lo ngại các hãng buôn đã tìm ra cách để lách lệnh cấm.

"Kể cả nếu EU cấm dầu Nga, họ có nhớ là phải trừng phạt các tàu dầu không? Các tàu chỉ cần chuyển hàng sang cho nhau trên biển là được mà", Johnson giải thích.

Tin cùng chuyên mục