Ảnh vệ tinh hé lộ sóng nhiệt thiêu đốt châu Âu
Bầu trời quang mây ở trên khắp châu Âu được phản ánh trong ảnh chụp từ vệ tinh Eumetsat hôm 18/7. Ảnh: EUMETSAT
Bầu trời quang mây được ghi nhận khi đợt nắng nóng kéo dài đang thiêu đốt cả châu lục, mang đến nhiệt độ cao kỷ lục ở nhiều quốc gia và châm ngòi cho những đám cháy rừng tàn phá hàng trăm km2, Space hôm 19/7 đưa tin.
Sóng nhiệt tràn tới sau khi châu Âu trải qua tháng 6 nóng thứ hai trong lịch sử. Một số chuyên gia cho rằng đây là bằng chứng về ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu cũng như cảnh báo về tương lai của châu Âu. So sánh ảnh chụp của vệ tinh quan sát Trái Đất Sentinel-2 vào giữa tháng 6 với tuần thứ 2 tháng 7 hé lộ cảnh quan vốn xanh tốt ở nước Anh đã biến thành màu nâu do hạn hán.
Ảnh vệ tinh ghi nhận màu nâu bao trùm nước Anh do hạn hán. Ảnh: Copernicus
Anh cũng đang trải qua mùa hè nóng nực với nhiệt độ vượt xa mức thông thường. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ của nhiều khu vực ở Anh được dự đoán cán mốc 40 độ C. Tại các nơi khác ở châu Âu, vệ tinh chụp ảnh những đám cháy rừng hoành hành. Lính cứu hỏa đang cố gắng dập tắt cháy rừng ở Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Croatia và Bồ Đào Nha. Ở phía tây Tây Ban Nha, khu bảo tồn gần Salamanca cháy từ hôm 12/7 với hơn 39 km2 đất rừng đã bị thiêu rụi. Tại miền nam đất nước, gần thành phố du lịch nổi tiếng Malaga, một đám cháy rừng khác đã "nuốt chửng" khoảng 20 km2 đất.
Vệ tinh cũng ghi lại thiệt hại do cháy rừng ở vùng trồng nho quanh thành phố Bordeaux thuộc miền tây nam nước Pháp. Hai đám cháy bùng lên hôm 12/7 đã đốt cháy 100 km2 đất trong vùng. Cảnh báo về nguy cơ cháy rừng cũng được ban bố ở Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, theo Cơ quan quản lý khẩn cấp Copernicus.
Cháy rừng tại vườn quốc gia Las Batuecas-Sierra de Francia tại Tây Ban Nha trong tháng 7/2022. Ảnh: Copernicus
Năm 2022 có khuynh hướng trở thành một trong những năm nóng nhất ở châu Âu, góp phần xác nhận xu hướng gây lo ngại cho các nhà khí tượng học và chuyên gia thời tiết. Lục địa này đang ấm lên nhanh hơn các nơi khác trên thế giới theo dữ liệu từ cơ quan Copernicus với nhiệt độ trung bình cao hơn 2,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dữ liệu mới nhất của cơ quan Copernicus hé lộ tháng 6/2022 là mùa hè nóng thứ hai với nhiệt độ cao hơn 1,6 độ C so với mức trung bình năm 1991 - 2020. Trên toàn cầu, đây là tháng 6 nóng thứ ba trong lịch sử, cao hơn 0,32 độ C so với gian đoạn năm 1991 - 2020.
Tags:
ảnh vệ tinh
sóng nhiệt
nắng nóng
châu Âu
Hiện tượng thiên nhiên
Tin
Tin nóng
Tin cùng chuyên mục